Tọa đàm hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên của Cộng hòa Pháp

15/04/2013
Tọa đàm hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên của Cộng hòa Pháp
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác năm 2013 với Đại sứ quán Pháp, sáng nay (15/4), Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã tổ chức Tọa đàm về hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên của Cộng hòa Pháp.

Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; bà Martine Serra, Phó Giám đốc Ban bảo vệ tư pháp đối với thanh thiếu niên vùng Paris; ông Marcel Klajnberg, Cựu thẩm phán về Trẻ em, Cộng hòa Pháp và đại diện các đơn vị trong và ngoài Bộ đã đến dự.

Tọa đàm đã nghe giới thiệu về hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên của Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Theo đó, ở Việt Nam có 6 nhóm hệ thống pháp luật cho người chưa thành niên gồm: hệ thống văn bản pháp luật (VBPL) có tính chất chung như Hiến pháp, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em; VBPL quy định về phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em; VBPL xử lý các hành vi vi phạm của trẻ em, xử lý hành vi xâm hại trẻ em; VBPL quy định hỗ trợ trẻ em tái hòa nhập cộng đồng; VBPL quy định thiết chế bảo vệ trẻ em; VBPL quy định biện pháp hỗ trợ tư pháp cho trẻ em. Tuy nhiên chưa có Tòa án chuyên biệt dành cho người chưa thành niên.

 

Hệ thống tư pháp của Pháp điều chỉnh trẻ vị thành niên bao gồm trẻ em đang gặp nguy hiểm và đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội. Hiện nay, Pháp có hơn 150 tòa xét xử các vụ liên quan đến trẻ vị thành niên nằm trong hệ thống tòa sơ thẩm và được phân bố trên khắp lãnh thổ nước Pháp. Trẻ vị thành niên có khả năng nhận thức phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hình sự của trẻ vị thành niên được giảm nhẹ tùy theo độ tuổi. Tùy từng trường hợp, thẩm phán, tòa án, hay các tòa phá án dành cho trẻ vị thành niên sẽ quyết định phương pháp, biện pháp giáo dưỡng và hình phạt. Các biện pháp này phải có tác dụng nâng cao giáo dục và tinh thần của trẻ vị thành niên. Trẻ đủ khả năng nhận thức dưới 10 tuổi có thể đưa ra một vài biện pháp giáo dục bắt buộc (sự giám sát của cha mẹ, đặt dưới sự bảo hộ của tổ chức bảo vệ tư pháp dành cho trẻ vị thành niên, tự sửa chữa, tự do có giám sát, biện pháp hoạt động ban ngày…). Trẻ từ 10-13 tuổi chỉ có thể áp dụng biện pháp giáo dục và đưa vào các trường giáo dưỡng. Trẻ em từ 13 tuổi trở lên phải áp dụng các phương pháp, biện pháp giáo dục hoặc đưa ra hình phạt nếu hoàn cảnh và nhân cách của trẻ vị thành niên bắt buộc phải áp dụng.

Tổ chức bảo vệ tư pháp dành cho trẻ vị thành niên chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan đến pháp luật dành cho trẻ vị thành niên và sự thống nhất giữa các cơ quan có liên quan, trong phạm vi thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và Tự do.

Ngày nay, các chuyên gia của Tổ chức Bảo vệ Tư pháp cho Trẻ vị thành niên thực hiện những hoạt động giáo dưỡng, hòa nhập xã hội, hoạt động trường lớp hay chuyên môn đều hướng đến lợi ích của trẻ và gia đình của trẻ trong thời gian thi hành án, dù là dân sự hay hình sự.

Qua Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được tiếp cận sâu hơn với hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên của Cộng hòa Pháp và nhận được chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia từ đó có thể hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật của Việt Nam đối với người chưa thành niên.