Hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm”

15/04/2013
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 11/4/2013, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm”. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia pháp luật, các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý nợ.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nên đã tác động tiêu cực đến thực tiễn áp dụng. Chính cách tiếp cận trong một số quy định của pháp luật  về giao dịch bảo đảm chưa thống nhất, đồng bộ nên dễ dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa tạo lập được những đảm bảo pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm có thể chủ động xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở các hợp đồng bảo đảm được giao kết hợp pháp, do đó nhiều vụ việc không thực hiện được theo thoả thuận (trong giai đoạn xử lý), phải khởi kiện, gây tốn kém về thời gian, chi phí... Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, giúp nhanh chóng thu hồi nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích với các bên có quyền, lợi ích liên quan, Báo cáo đã chỉ rõ các giải pháp, kiến nghị cụ thể các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Trong bài tham luận của mình, TS Lê Minh Hùng - Trưởng bộ môn Luật Dân sự, ĐH Luật TP.HCM nêu rõ vấn đề giao dịch bảo đảm được quy định tản mạn, trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau đã làm cho pháp luật điều chỉnh vấn đề này trở nên thiếu minh bạch, phức tạp, khó hiểu và gây nhiều tranh cãi. Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Pháp lý chứng từ của Ngân hàng Á Châu thì việc xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng, hợp pháp chính là thước đo hiệu quả kinh tế của các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm, từ đó giúp bên nhận bảo đảm giải quyết vấn đề thanh khoản, sẽ giúp con nợ (người vay) giảm thiểu mức tiền phạt lãi quá hạn, giải phóng công việc cho hệ thống các cơ quan tư pháp… Để đáp ứng yêu cầu này, hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm và hệ thống các quy định liên quan phải thay đổi hoặc bổ sung các khía cạnh quan trọng như: Rút gọn quy trình tố tụng đối với các tranh chấp đòi nợ, xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Các tranh chấp này, về nội dung pháp lý khá đơn giản nên về nguyên tắc có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn nhằm rút ngắn thời gian đối với quá trình xử lý tài sản bảo đảm thông qua con đường tố tụng; hoàn chỉnh các quy định liên quan đến đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nhất là thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản trong trường hợp ngân hàng chủ động bán tài sản theo các thỏa thuận tại các hợp đồng thế chấp, cầm cố; hoàn chỉnh các quy định liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai.

Trước thực trạng của nền kinh tế Việt Nam, ông Jinchang Lai - Chuyên gia cao cấp phụ trách chương trình tư vấn thể chế tài chính Khu vực Đông Á Thái Bình Dương của IFC khuyến cáo các ngân hàng và các doanh nghiệp ở Việt Nam cần chú trọng áp dụng các giải pháp, kỹ năng nhằm khai thác giá trị kinh tế của động sản, hạn chế sự phụ thuộc vào bất động sản. Đồng thời, chính sách, pháp luật cũng cần lưu ý để thúc đẩy việc hiện thực hóa các thỏa thuận trong hợp đồng đã được giao kết hợp pháp, tiết kiệm chi phí các giao dịch...

Kết luận Hội thảo, TS Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký QGGD BĐ khẳng định trong thời gian tới, cùng với tiến trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp thì pháp luật về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu tổng thể trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc vận động của kinh tế thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường tín dụng và nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.