Đối tượng tham gia các lớp tập huấn lần này chủ yếu là cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền đăng ký GDBĐ (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện); cán bộ phụ trách công tác đăng ký GDBĐ của Sở Tư pháp và cán bộ của các tổ chức tín dụng tại các tỉnh miền Bắc.
Lớp tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ đăng ký GDBĐ và các tổ chức tín dụng với mục đích trang bị cho các đối tượng được đào tạo một số kiến thức cơ bản và những kỹ năng cần lưu ý trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tài sản bảo đảm... Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các giảng viên giàu kinh nghiệm đã giới thiệu các quy định mới của pháp luật hiện hành về GDBĐ và những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở nội dung cơ bản của Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Bên cạnh đó, các giảng viên đã giới thiệu các quy định mới của pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thế chấp động sản trừ tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT. Cục Đăng ký cũng đã giới thiệu đến học viên quy trình nghiệp vụ của hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin, quản lý lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về GDBĐ, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án đang được thực hiện tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục. Đặc biệt, các học viên đã tiếp cận với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết kỹ năng, thao tác sử dụng phần mềm đăng ký trực tuyến…
Tại lớp tập huấn, các giảng viên và học viên đã trao đổi, thảo luận về nội dung bài giảng và giải đáp vướng mắc trong thực tiễn ký kết hợp đồng, đăng ký GDBĐ, xử lý tài sản bảo đảm, giải quyết tranh chấp về GDBĐ, hỏi đáp về quy trình sử dụng hệ thống đăng ký GDBĐ trực tuyến.
Qua tổng hợp những đánh giá của học viên tại lớp tập huấn có thể thấy chất lượng bài giảng do các giảng viên mang lại và khả năng áp dụng những kiến thức thiết thực thu được từ khóa đào tạo vào việc giải quyết công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn là một trong những nội dung được các học viên đánh giá cao tại lớp tập huấn lần này.
Thông qua hoạt động tập huấn đào tạo tăng cường năng lực, Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ mong muốn trang bị cho học viên những kỹ năng cơ bản trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết các vấn đề về GDBĐ, đăng ký GDBĐ. Thành công lớn của lớp tập huấn là sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của gần 500 học viên đã cho thấy nhu cầu được bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật trong lĩnh vực GDBĐ và đăng ký GDBĐ là khá lớn và cần được thực hiện thường xuyên trong những năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 02 đến ngày 05 tháng 8/2012 tại TP. Hồ Chí Minh và từ ngày 07 đến ngày 08/08/2012 tại TP. Đà Nẵng, Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ sẽ tiếp tục tổ chức 03 lớp tập huấn với nội dung tương tự nhằm đảm bảo các cán bộ đăng ký GDBĐ và các tổ chức tín dụng trong cả nước đều có cơ hội tiếp cận và nâng cao nhận thức về GDBĐ và đăng GDBĐ.
Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ