Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030

09/07/2012
Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Trong khuôn khổ Chương trình “Đối tác tư pháp” do Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ, thực hiện Kế hoạch công tác năm 2012,  ngày 6/7, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Đồng chí Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ thư ký xây dựng Chiến lược, đại biểu của các bộ, ngành có liên quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương, đại diện Sở Tư pháp, Công an, Thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo và cán bộ  một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các chiến lược phát triển lĩnh vực hoạt động chuyên môn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về nội dung dự thảo Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, từ thực trạng công tác lý lịch tư pháp tại Việt Nam trong thời gian qua cho đến kinh nghiệm của các nước về quản lý lý lịch tư pháp cũng như dự báo xu hướng phát triển của hoạt động này trong thời gian tới. Các đại biểu cũng giành nhiều thời gian để thảo luận về quan điểm định hướng phát triển, mục tiêu phát triển của hoạt động lý lịch tư pháp, đặc biệt là vấn đề xây dựng, tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp và phát triển nguồn lực để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp.

 

 

Sau hai năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác lý lịch tư pháp đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ, hệ thống cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đang từng bước được xây dựng tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trong cả nước. Nguồn thông tin lý lịch tư pháp từ các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan đã bắt đầu được khai thông. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp đáp ứng yêu cầu của người dân ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. Vì vậy, để xây dựng và vận hành thành công cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đáp ứng yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp thì việc triển khai tổ chức thực hiện phải được bắt đầu từ những định hướng mang tính chiến lược.

Trong thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính định hướng toàn diện, tổng thể và dài hạn về các bước phát triển, lộ trình phát triển hoạt động lý lịch tư pháp ở Việt Nam trong những năm tới đây.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia ghi nhận những những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu của các đại biểu và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo. Đây sẽ là những kinh nghiệm mang tính lý luận và thực tiễn giúp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong quá trình triển khai xây dựng Chiến lược phát triển hoạt động lý lịch tư pháp, nhằm hướng đến xây dựng, tổ chức hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; gắn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

TL