Cục Bồi thường nhà nước tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự

24/02/2012
Để kịp thời quán triệt nội dung quy định của Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS, ngày 21/02/2012, Cục Bồi thường nhà nước đã phối hợp với Tổng cục THADS, Vụ Hợp tác quốc tế và Dự án JICA, Nhật Bản tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS cho đối tượng là cán bộ, công chức của các cơ quan THADS.

Tham dự Hội nghị tập huấn có đại diện Cục THADS, Bộ Quốc phòng và các cán bộ, công chức của hơn 25 cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện ở miền bắc và miền trung.

Hội nghị đã quán triệt đến đại biểu các quy định chung về thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước, phạm vi trách nhiệm bồi thường, các thiệt hại được bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường, thủ tục giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS, được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nghị định số 16 và TTLT số 24.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng trao đổi, thảo luận về nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường và các quy định khác của TTLT số 24. Đồng thời, các đại biểu đã nêu ra một số vụ việc có yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS để cùng trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết, cũng như đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy công tác giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS.

Thông qua các nội dung tập huấn và kết quả trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về phạm vi trách nhiệm bồi thường và các thiệt hại được bồi thường trong hoạt động THADS thì trong thời gian tới khả năng phát sinh nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực THADS là rất lớn và tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động THADS sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp. Do đó, nhiều đại biểu có ý kiến cần thúc đẩy công tác giải quyết khiếu nại và giải quyết bồi thường, cụ thể là:

Thứ nhất, cần tăng cường năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động THADS nói chung và nghiệp vụ giải quyết bồi thường nói riêng để bảo đảm một mặt, tránh để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn tới phải bồi thường, mặt khác, nếu xác định có phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cần chủ động giải quyết bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại, tránh để xảy ra tình trạng dây dưa, kéo dài dẫn tới việc làm phát sinh thêm thiệt hại và gây bức xúc ở người dân.

Thứ hai, khi thực hiện việc giải quyết bồi thường, cần thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật cũng như kịp thời xin ý kiến của các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện những sai sót hoặc điểm nghẽn trong quá trình giải quyết bồi thường, qua đó, thúc đẩy việc thực hiện công tác này trên thực tiễn.

Thứ ba, các đại biểu cũng cho rằng, về phía đội ngũ công chức lãnh đạo cơ quan THADS các cấp cần quán triệt tinh thần không bao che cán bộ, không né tránh trách nhiệm để tránh hậu quả phức tạp về sau.

Thứ tư, một số đại biểu đề nghị Cục Bồi thường nhà nước cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao làm công tác giải quyết bồi thường để bảo đảm đủ năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác này.