Tọa đàm “10 năm đào tạo Luật sư - một chặng đường nhìn lại”

26/12/2011
Tọa đàm “10 năm đào tạo Luật sư - một chặng đường nhìn lại”
Ngày 24/12, Học viện Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “10 năm đào tạo Luật sư - một chặng đường nhìn lại” với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ, nhiều chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp, Luật sư (LS), giảng viên, nhằm đánh giá, tổng kết quá trình, làm rõ những vướng mắc trong công tác đào tạo nguồn LS và đề xuất giải pháp để mở rộng qui mô và nâng cao chất lượng đạo tào, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và nhu cầu xã hội về dịch vụ pháp lý của LS.

Theo Giám đốc Học viện Tư pháp Phan Chí Hiếu, sau 10 năm, công tác đào tạo nguồn LS của Học viện Tư pháp đã đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật như xây dựng, từng bước hoàn thiện và vận hành khá hiệu quả mô hình đào tạo nghiệp vụ LS một cách bài bản, chính qui ở Việt Nam; Hoạt động đào tạo LS của Học viện không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn bổ nhiệm LS cho các tổ chức hành nghề LS, các đoàn LS mà còn cung cấp nguồn cán bộ pháp luật cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong toàn quốc. Các học viên đào tạo nguồn LS đang là những nhân tố tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, cải cách hành chính, góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ công lý…; Các khóa đào tạo cơ bản là đảm bảo chất lượng, mục đích đào tạo là trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản ban đầu cho người mới được bổ nhiệm chức danh tư pháp, cập nhật kiến thức pháp luật mới, tạo điều kiện cho học viên tiếp thu kinh nghiệm nghề nghiệp, làm quen với môi trường công tác và đạo đức nghề nghiệp theo từng chức danh.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo LS vẫn chưa đồng đều, chưa phúc đáp được nhu cầu, kỳ vọng của một bộ phận học viên, chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao mà công cuộc cải cách tư pháp, cải cách pháp luật đang đặt ra. Còn hạn chế trong trang bị kiến thức chuyên sâu, kiến thức hội nhập cho học viên. Đội ngũ giảng viên còn mỏng, áp dụng phương pháp đào tạo nghề chưa đạt kết quả mong muốn.

Trước nhu cầu đào tạo cho giai đoạn mới, Học viện Tư pháp xác định, cùng các hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp khác, đào tạo LS phải có chuyển biến cơ bản trong chất lượng, bảo đảm học viên được trang bị kỹ năng hành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiến thức hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng tranh tụng tại phiên tòa, mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ LS, luật gia và luân chuyển giữa các chức danh tư pháp.

Các giải pháp được chọn để thực hiện mục tiêu đào tạo là xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tac đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó có đào tạo LS, xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh, đổi mới các mô hình và phát triển các chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề chuyên sâu cho các LS đang hành nghề…

H.Giang