Sáng nay (12/12), với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã tổ chức Tọa đàm về hòa giải thương mại tại Hà Nội với sự tham gia của các hòa giải viên đến từ Cộng hòa Pháp. Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã đến dự và trình bày tham luận tại Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức hành nghề luật sư, Tòa án, trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và một số cơ quan, tổ chức liên quan khác.
Theo bà Minh, hòa giải thương mại tại Việt Nam mới chỉ được điều chỉnh bởi một điều của Luật Thương mại năm 2005 với tính chất là một biện pháp giải quyết tranh chấp độc lập ngoài tố tụng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh có thể được giải quyết thông qua hòa giải. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên và đặc biệt là giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành. Trong khi đó, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết mở cửa dịch vụ hòa giải thương mại với tính chất là dịch vụ pháp lý, cam kết này đã có hiệu lực từ tháng 10 năm 2010. Điều này đặt ra sự cần thiết phải ban hành các quy định nội luật để thể chế hóa hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Tiếp theo bài tham luận của bà Nguyễn Thị Minh, các chuyên gia Pháp đã trình bày pháp luật Cộng hòa Pháp về hòa giải thương mại. Các chuyên gia cho biết ở Pháp, hòa giải là một thủ tục không phân biệt tính chất thương mại, dân sự, lao động hay hôn nhân gia đình của tranh chấp nên các quy định về hòa giải, dù là hòa giải trong tố tụng hay hòa giải ngoài tố tụng, được áp dụng chung cho các tranh chấp. Điều đáng lưu ý là để tăng cường giá trị pháp lý của thỏa thuận mà các bên đạt được trong quá trình hòa giải, pháp luật Pháp quy định biên bản hòa giải thành có thể được Tòa án công nhận hiệu lực thi hành, nếu các bên có yêu cầu.
Một số nội dung quan trọng khác cũng được các chuyên gia trình bày tại Tọa đàm là các nguyên tắc hòa giải, trình tự, thủ tục hòa giải, tổ chức hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đào tạo, bồi dưỡng hòa giải viên, đạo đức nghề nghiệp của hòa giải viên….
Ngoài Hà Nội, Tọa đàm còn được tiếp tục tổ chức tại Ninh Thuận vào ngày 14/12 và thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/12/2011.
Nhà Pháp luật Việt - Pháp