Đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc nhập quốc tịch theo Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam

22/11/2011
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc nhập quốc tịch theo Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam
Luật Quốc tịch Việt Nam đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009, tại Điều 22 của Luật quy định: “Người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định.”

Từ ngày 14-18/11/2011, Vụ Hành chính tư pháp đã tổ chức một Nhóm công tác tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trưởng Nhóm là ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, thành viên gồm có 02 chuyên viên phòng Quản lý Quốc tịch và 01 chuyên viên phòng Quản lý hộ tịch.

Mục đích của chuyến công tác là phối hợp với hai Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành địa phương khảo sát thực tế và thống nhất biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc nhập quốc tịch cho người không quốc tịch nói chung và người không quốc tịch theo Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam nói riêng; giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch cho những đối tượng này.

Nhóm công tác đã có buổi làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nghe Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện Sở Ngoại vụ, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, Sở Công an báo cáo tình hình người không quốc tịch sinh sống tại địa bàn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tỉnh Quảng Trị có 1052 người không quốc tịch sinh sống, trong đó có 44 người đủ điều kiện nhập quốc tịch theo Điều 22; tỉnh Thừa Thiên Huế có 277 người không quốc tịch sinh sống, trong đó có 29 người đủ điều kiện nhập quốc tịch theo Điều 22 và 62 trẻ em là con của những người không quốc tịch được sinh ra trên địa bàn đã được đăng ký khai sinh và mang quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, Nhóm công tác đã thực hiện khảo sát thực tế tại các huyện biên giới của hai tỉnh. Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Nhóm đã tham dự Hội nghị tập huấn công tác nhập quốc tịch theo Điều 22, thu thập được những số liệu thống kê người không quốc tịch tương đối chính xác, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của những người di cư tự do thông qua các báo cáo của đại diện UBND các xã của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, từ đó trao đổi, thảo luận, tìm ra biện pháp tháo gỡ những khó khăn mà địa phương gặp phải.

Tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi làm việc với UBND huyện và các phòng, ban, ngành liên quan, Nhóm công tác đã đến thăm các hộ gia đình có người di cư tự do tại xã A Ngo - một trong những xã có đông người không quốc tịch cư trú, được thấy rõ cuộc sống khó khăn, không chỉ bởi vì điều kiện kinh tế thiếu thốn, mà còn bởi địa vị pháp lý không rõ ràng, họ không có giấy tờ hộ tịch, quốc tịch và các giấy tờ tùy thân khác, không được hưởng đầy đủ những ưu đãi từ phía Nhà nước Việt Nam.

Qua các buổi làm việc, Nhóm công tác cùng với đại diện các sở, ban ngành đã thống nhất về việc  đánh giá thực trạng người không quốc tịch tại địa bàn. Sở Tư pháp hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo số liệu người không quốc tịch một cách chính xác, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các trường hợp đủ điều kiện nhập quốc tịch theo Điều 22 cũng như đối với những trường hợp còn lại, đồng thời quan tâm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho các đối tượng nêu trên.

Vân Anh – Vụ Hành chính tư pháp