Dự thảo Luật Giám định tư pháp: Sẽ khắc phục được những vướng mắc trong công tác giám định tư pháp hiện nay

21/11/2011
Đưa giám định tư pháp (GĐTP) “vào đúng vai” là cơ quan bổ trợ tư pháp, hoạt động hiệu quả để tác động đến chất lượng hoạt động tư pháp là một trong những vấn đề trọng tâm của cải cách tư pháp năm 2012. Bà Đỗ Hoàng Yến – Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) – tin tưởng, với những ý kiến của các ĐBQH trong buổi thảo luận về dự thảo Luật GĐTP vào hôm nay (21/11) sẽ góp phần để dự thảo Luật là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện được mục tiêu này.

* Bà có thể cho biết, dự thảo Luật GĐTP sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc gì của công tác GĐTP hiện nay?

Qua tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh GĐTP cho thấy, khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay của công tác GĐTP là đội ngũ giám định viên thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ; việc lựa chọn, trưng cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định gặp nhiều khó khăn, có việc ách tắc; chất lượng hoạt động GĐTP trên nhiều lĩnh vực còn bất cập; kết luận giám định trong một số trường hợp không chính xác, khách quan, tổ chức GĐTP trong một số lĩnh vực còn dàn trải, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu; chế độ đối với người làm giám định cơ bản chưa thỏa đáng; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan về giám định không rõ ràng… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó một phần là do Pháp lệnh GĐTP có những hạn chế.

Do vậy, dự thảo Luật GĐTP được xây dựng để tập trung giải quyết những vướng mắc, bất cập về thể chế, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để chắc chắn công tác GĐTP sẽ có bước cải tiến hơn rất nhiều. Có thể kể ra một số điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo như qui định rõ cơ chế lựa chọn, lập và công bố các tổ chức chuyên môn ở các lĩnh vực không có tổ chức GĐTP chuyên trách, nhất là các lĩnh vực như xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hoá… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn và trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, tháo gỡ ách tắc trong hoạt động trưng cầu giám định. Cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ngoài công lập; Thu gọn đầu mối các tổ chức GĐTP công lập để Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho các tổ chức GĐTP trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần. Quy định mang tính nguyên tắc những chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh người làm GĐTP để thu hút các chuyên gia giỏi tham gia hoạt động GĐTP; Kinh phí chi trả cho việc thực hiện GĐTP, bảo đảm lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GĐTP. Quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc bảo đảm về số lượng, chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, về tổ chức, hoạt động GĐTP thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình bổ sung quy định trách nhiệm của TAND, VKSND đối với hoạt động GĐTP, tạo ra cơ chế cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động GĐTP.

* Tại sao trong dự thảo Luật GĐTP lại đặt ra vấn đề xã hội hóa hoạt động GĐTP theo hướng cho phép thành lập Văn phòng GĐTP?

Như trên tôi đã nói, thì việc cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ngoài công lập là một trong những điểm mới của dự thảo Luật so với Pháp lệnh, góp phần tháo gỡ ách tắc về “địa chỉ” trưng cầu GĐTP hiện nay. Nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại vì cho rằng không nên cho phép tư nhân thực hiện GĐTP, e rằng khó bảo đảm chất lượng. Thực ra, xã hội hóa hoạt động GĐTP nói chung và việc tư nhân được phép tham gia thực hiện GĐTP hoàn toàn không phải là vấn đề mới.

Các luật về tố tụng và Pháp lệnh GĐTP đã quy định vấn đề này, theo đó người tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện giám định. Đơn cử như giám định cổ vật để phục vụ cho quá trình điều tra một vụ án về Buôn lậu vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá hoặc giám định các hợp đồng cho thuê tài chính để điều tra một vụ án tham nhũng, cố ý làm trái… thì trong nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu chuyên gia về đồ cổ hoặc chuyên gia của các Công ty cho thuê tài chính thực hiện giám định và người thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định.

Việc cho phép thành lập Văn phòng GĐTP như một tổ chức chuyên trách thực hiện giám định chỉ là một bước đẩy mạnh hơn chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP. Tuy nhiên, trước mắt, dự thảo Luật cũng chỉ cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở những lĩnh vực như giám định tài chính, kế toán, ngân hàng, giám định cổ vật…Còn những lĩnh vực giám định “truyền thống” như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì chưa cho phép thành lập Văn phòng giám định mà vẫn do Nhà nước đầu tư, thành lập tổ chức chuyên trách.   

* Quy định của dự thảo Luật cho đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền yêu cầu GĐTP có mâu thuẫn với pháp luật về tố tụng hiện hành không, thưa bà?

Trước khi trả lời câu hỏi này, cũng cần phải thông tin thêm là về vấn đề mở rộng quyền yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính như quy định của dự thảo Luật để họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cũng như thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự, hành chính được nhiều ý kiến đều tán thành trong quá trình xây dựng Luật.

Đây là vấn đề được quan tâm trong qúa trình soạn thảo và lấy ý kiến về dự án Luật. Theo ý kiến của tôi, thì việc quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính là cần thiết, đáp ứng kịp thời việc thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW. Quy định này không có gì mâu thuẫn với pháp luật về tố tụng và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.   

* Trân trọng cảm ơn bà!

Hương Giang