Báo Pháp luật Việt Nam đến với người dân biên giới

30/08/2011
Nằm cách TP. HCM hơn 130 km về phía Tây Nam là các xã nghèo giáp biên giới của tỉnh Tây Ninh. Nơi đây đời sống còn rất khó khăn, dân thiếu cái ăn cái mặc và “đói” kiến thức pháp luật. Vì thế, những tấm lòng rộng mở, những buổi trợ giúp pháp lý trở nên vô cùng cần thiết đối với người dân nơi đây.

“Như nắng hạn gặp mưa”

Ngày 28/8, nhân kỉ niệm 66 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, cơ quan đại diện phía Nam Báo Pháp luật VN đã có chuyến trợ giúp pháp lý miễn phí và làm thiện tại hai xã Minh Điền và Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là hai xã nghèo vùng biên giới của tỉnh, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Chuyến đi của báo PLVN đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của chính quyền địa phương và đông đảo người dân. Tham gia đoàn có sự hiện diện của lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam, các luật sư đến từ Đoàn Luật sư TPHCM. Về phía tỉnh Tây Ninh, đoàn trợ giúp pháp lý tỉnh với sự dẫn đầu của bà Phùng Thị Dâu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, huyện Châu Thành có sự hiện diện của ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Chủ tịch UBND huyện.

9h sáng ngày 28/8, tại nhà văn hóa xã Minh Điền, hơn 100 người dân đã có mặt để chờ đón đoàn Báo Pháp luật Việt Nam. Với năm bàn tư vấn, các cán bộ tư vấn đã tận tình giải thích, tháo gỡ cho người dân những thắc mắc, mù mờ về kiến thức pháp luật mà “trước giờ không biết hỏi ai”. Nhiều vướng mắc của người dân liên quan đến quyền lợi lao động, tranh chấp tài sản, hôn nhân gia đình… Bà Nguyễn Thị Hiến, Tổ 1, ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền chia sẻ sau khi được tư vấn: “Những người dân vùng sâu vùng xa như tụi tui có biết gì về kiến thức pháp luật, quy định của luật pháp đâu. Sau khi được Đoàn tư vấn, giải tỏa dùm tui những thắc mắc, tui thấy hài lòng và tự tin hơn. Cán bộp Đoàn cũng nói cho tui hiểu là phải mạnh dạn và đừng sợ sệt khi đối diện với những vấn đề về pháp luật”.

2h chiều cùng ngày, Đoàn có mặt ở xã Biên Giới và tại nơi đây cũng là không khí chờ ngóng buổi trợ giúp pháp lý và những món quà tình nghĩa của người dân. Tại xã Biên Giới, đoàn cũng đã có những giải đáp, cung cấp kiến thức pháp luật cho dân cũng như có nhiều ghi nhận để làm bài học thiết thực cho công tác trợ giúp pháp lý của mình.

Sự hồ hởi, vui mừng hiện rõ trên nét mặt người dân và cả những đứa trẻ khi đến nhận những phần quà mà Đoàn cùng với các cán bộ Sở Tư pháp mang đến. Không ít ông cụ, bà cụ neo đơn, không ít người tàn tật lặn lội đến nhận quà.  200 phần quà cho người dân hai xã, giá trị hơn 40 triệu đồng, bao gồm các nhu yếu phẩm của đời sống hàng ngày như gạo, dầu ăn, bột ngọt, sách vở cho trẻ em nghèo… Và hơn cả bốn mươi triệu đồng đó là đoạn đường xa ngái, là tấm lòng và sự chuẩn bị chu đáo của Đoàn, là sự xông xáo giúp dân tải những phần quà nặng, là nỗ lực của các cán bộ Sở Tư pháp đã tìm và liên hệ những nơi cung cấp nhu yếu phẩm, sách vở chất lượng với giá phải chăng nhất, để món quà đến với dân giá trị, đầy đủ hơn. Cháu Nguyễn Thị Kim Anh, tám tuổi, gia đình chỉ có hai mẹ con nương nhau mà sống, nhận được tập vở và cặp sách, niềm vui mừng trẻ thơ hiện rõ trên gương mặt cháu: “Con vui lắm, con chưa bao giờ có cặp mới để đi học hết”.

Ngoài ra, mười lăm thùng sữa đậu nành, 14 thùng sách giáo khoa, 200 tập vở, bút bi, bút màu… cũng đã được Đoàn gửi tặng trường trẻ em khuyết tật của tỉnh.

Đọng lại sau chuyến đi

Đã từng có nhiều chuyến trợ giúp pháp lý nhưng mỗi chuyến đi lại đem đến cho Đoàn trợ giúp pháp lý Báo Pháp luật Việt Nam những cảm xúc và ghi nhận mới mẻ. Với các thành viên trong Đoàn, đây là một cơ hội gần hơn với người dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng, những thiếu thốn về tình thần và vật chật của người dân để trang báo thêm gần gũi, phong phú. Bà Nguyễn Bích Loan, Trưởng cơ quan đại diện báo PLVN phía Nam chia sẻ: “Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa: Chào mừng kỉ niệm 65 năm thành lập ngành tư pháp, đây cũng là dịp để cán bộ Báo PLVN cập nhật những yêu cầu pháp luật nhiều của người dân”.  Đây cũng là tâm sự của ông Hoàng Kim Chiến, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp phía Nam.

Về phần các luật sư của Đoàn Luật sư TPHCM, LS Nguyễn Thái Nguyên - Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh cho biết, chuyến trợ giúp đã giúp LS hiểu thêm về nhu cầu pháp luật của người dân vùng sâu vùng xa, cũng như thấm thía ý nghĩa của nghề Luật. Còn LS Huỳnh Phước Hiệp (VP Luật Huỳnh Phước Hiệp) thì nhận định: Sau khi tư vấn cho anh Nguyễn Văn Tòng, thắc mắc về quyền lợi của mình sau tai nạn lò gạch làm thương tật một bên chân: “Người lao động vùng sâu vùng xa ít hiểu biết về pháp luật dẫn đến rất nhiều thiệt thòi, khi có vấn đề gì xảy ra, chủ lao động cho bao nhiêu họ nhận bấy nhiêu chứ không ý thức được quyền lợi của mình”.

Về phía địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Lam chia sẻ: “Hai xã mà đoàn đến là hai trong sáu xã biên giới, đã chịu rất nhiều hậu quả từ cuộc chiến tranh Tây Nam, đời sống nhân dân cực kì thiếu thốn, khó khăn. Buổi trợ giúp pháp lý miễn phí và trao quà đầy ấm cúng, long trọng và tình nghĩa của Báo PLVN rất có ý nghĩa đối với nhân dân, chúng tôi mong mỏi rằng sẽ có nhiều hơn những chuyến đi có ích và cần thiết như thế”…

Ngọc Mai

Đây là chuyến trợ giúp pháp lý lần thứ bảy của Cơ quan đại diện báo PLVN phía Nam trong nhiều năm liên tiếp, với hai căn nhà tình nghĩa và các phần quà và phát báo miễn phí cho người dân vùng sâu vùng xa. Riêng trong năm 2011, Báo PLVN đã tặng 4 căn nhà tình nghĩa cho người dân tỉnh Phú Thọ, Quảng Bình tặng báo miển phí cho các xã vùng sâu, 200 suất học bổng cho học sinh nghèo Quảng Trị.