Đây là hoạt động nhằm tạo môi trường cho cán bộ, nhân viên nghiệp vụ của các Sở Tư pháp khu vực ĐBSCL giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với những đơn vị có kinh nghiệm tốt, cách làm hay về lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời nắm được nhu cầu thực tế của tư pháp địa phương đối với hoạt động này. Hoạt động này cũng nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2011) của cụm thi đua khu vực miền Đông Nam Bộ. Hoạt động này được sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 ( viết tắt là Chương trình 585).
Đến dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Tịnh - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp - Phó trưởng ban Chương trình 585; ông Nguyễn Thái Phúc - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh; ông Quách Việt Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng (Trưởng khu vực thi đua).
Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lãnh đạo các Sở Tư pháp và các phòng nghiệp vụ trong khu vực ĐBSCL; đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo các Sở ngành liên quan, Liên Minh các hợp tác xã; Đảng ủy khối Doanh nghệp, cơ quan thông tin đại chúng, cán bộ pháp chế Sở, ngành tỉnh Sóc Trăng, và đại diện Hội doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng và các doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng.
Hội thảo đã nghe đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh trình bày về cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó tập trung vào giới thiệu kinh nghiệm chung trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và giới thiệu Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 của Chính phủ (Gọi tắt là Chương trình 585).
Hội thảo còn được nghe các tham luận chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai thực hiện Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Sở Tư pháp Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội Doanh Nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Các bài tham luận đã nêu ra một số cách làm hay trong việc phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai hiệu quả hoạt động này.
Sở Tư pháp Đồng Nai chia sẻ hình thức giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp được các sở, ngành chú trọng bằng các hình thức đa dạng như giải đáp bằng văn bản, giải đáp trực tiếp, giải đáp trên trang thông tin điện tử của các cơ quan hoặc qua điện thoại. Bên cạnh đó các sở, ngành trong tỉnh Đồng Nai thường xuyên tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cũng như đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về tính minh bạch, công khai thủ tục hành chính, tính hợp lý của quy trình giải quyết, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp cũng được các sở, ngành tại Đồng Nai thường xuyên thực hiện.
Cần Thơ lại chia sẻ kinh nghiệm trong việc Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và Đài phát thanh truyền hình thành phố Cần Thơ ký kết kế hoạch liên tịch phát sóng trực tiếp Chương trình “Gặp gỡ & đối thoại cải cách hành chính”, qua đó đã thực hiện các chuyên đề nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: thẩm định dự án đầu tư; một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và cấp dấu cho doanh nghiệp; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, công chứng, chứng thực.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị về công tác giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp theo khoản 6 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc (khoản 6 Điều 10: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”). Tuy nhiên, trên thực tế các vướng mắc của doanh nghiệp chủ yếu là các vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà khi phát sinh khó khăn, tranh chấp doanh nghiệp mới hỏi quy định của pháp luật và cách thức để giải quyết. Do đó, Sở kiến nghị Bộ nên sớm có Thông tư hướng dẫn khoản 6 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP để phân biệt rõ các trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý.
Hội thảo còn được nghe các bài tham luận về thực trạng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và nhu cầu của địa phương trong giai đoạn hiện nay của các Sở Tư pháp Sóc Trăng, Cà Mau, Long An và nhiều ý kiến tham gia thảo luận, chia sẻ, đóng góp trên tinh thần hợp tác, xây dựng của các đại biểu.
Cơ quan đại diện - Bộ Tư pháp