Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý: Cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho hoạt động trợ giúp pháp lý!

11/07/2011
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, được các tầng lớp nhân dân đón nhận và đồng tình, được cộng đồng quốc tế quan tâm và ủng hộ. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục TGPL Tạ Thị Minh Lý cho biết, hiện nay TGPL không còn hỗ trợ của nước ngoài trừ một phần nhỏ cho nghiên cứu, trong khi mức đầu tư của Nhà nước cho công tác TGPL chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và sự thiếu hụt nguồn ngân sách sẽ gây ra những tác động không nhỏ cho TGPL. Bà Lý cho biết:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc bảo đảm cho công tác TGPL từng bước được quan tâm, đầu tư từ phía Nhà nước và các Dự án hợp tác quốc tế. Nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì kinh phí bảo đảm còn được đầu tư rất thấp, chưa tương xứng, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi mà các cấp chính quyền vẫn còn chưa để tâm đến công tác TGPL vì các hoạt động còn chủ yếu dựa vào ngân sách TƯ.

Chưa tính đến đặc thù nghiệp vụ

* Xin bà dẫn chứng cụ thể hơn?

- Hiện nay, ngoài kinh phí thường xuyên, kinh phí hoạt động trung bình hàng năm của mỗi Trung tâm TGPL nhà nước chỉ khoảng 100 - 150 triệu đồng. Mức kinh phí khoán rất thấp, chỉ trung bình từ 22.000 - 30.000đ/người/địa phương. Kinh phí cấp cho hoạt động TGPL lại theo mức khoán bình quân trên đầu biên chế của đơn vị sự nghiệp không có thu mà chưa tính đến hoạt động nghiệp vụ đặc thù phải đi lại nhiều như TGPL lưu động, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, xác minh vụ việc, tham gia tố tụng…

* Thực trạng này gây ra những khó khăn gì, thưa bà?

- Do còn thiếu nguồn nhân lực cùng với eo hẹp về tài chính dẫn đến việc các Trung tâm TGPL không thể thường xuyên tổ chức các đợt TGPL lưu động và các hoạt động TGPL ở cơ sở. Trung tâm TGPL cũng gặp nhiều khó khăn do mức phí trả quá thấp trong việc mời các luật sư có kinh nghiệm thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, truyền thông về TGPL, tổ chức tập huấn cho cộng tác viên TGPL ở các cấp… Còn vấn đề ưu tiên của Cục là bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phải bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc TGPL cũng vấp phải trở ngại do cán bộ có kinh nghiệm bị luân chuyển, xáo trộn nhiều.

Ngoài ra, trụ sở của gần 45% các Trung tâm TGPL đến nay vẫn nằm trong Sở Tư pháp, gây ra nhiều sự e ngại cho người dân khi đến yêu cầu được TGPL. Phương tiện làm việc của các Trung tâm TGPL cũng chưa đủ so với nhu cầu. Đa số các tổ chức thực hiện TGPL đến nay chưa có ô tô riêng để tổ chức các đợt TGPL lưu động và các hoạt động TGPL khác ở cơ sở.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài được các tổ chức quốc tế ủng hộ thông qua các dự án, đến nay do nước ta đang có sự tăng trưởng dần thoát nghèo nên sự hỗ trợ từ nguồn các Dự án tạm ngừng. Trong khi mức đầu của Nhà nước lại thấp khiến cho TGPL đang đối mặt với khả năng mất ổn định, nhất là chảy máu chất xám, Trợ giúp viên pháp lý đã được đào tạo dễ chuyển sang hành nghề luật sư và làm các công việc khác dễ dàng hơn, thu nhập cao hơn.

Quỹ TGPL - sức hút chưa mạnh

* Nhưng chúng ta còn có Quỹ TGPL Việt Nam do chính Thủ tướng quyết định thành lập?

- Đúng vậy! Có điều là Quỹ cũng mới ra đời, chưa được kiện toàn nên chưa có đủ năng lực thu hút các nguồn đóng góp của xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân… cho công tác TGPL. Quỹ vẫn dựa vào nguồn duy nhất là ngân sách, nhưng  mức ngân sách do Nhà nước cấp lại rất hạn chế. Hiện Quỹ đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể mở rộng quy mô hỗ trợ, mới chỉ hỗ trợ được kinh phí hoạt động cho một số Trung tâm TGPL và số ít các tổ chức tham gia TGPL ở các tỉnh nghèo.

Quỹ chưa nhận được các nguồn đóng góp từ nguồn thu của các hoạt động pháp luật như một số nước trên thế giới. Ví dụ, Quỹ TGPL của Trung Quốc được nhận tỷ lệ phần trăm nhất định từ thuế và đóng góp của luật sư, tương đương khoảng 2 vụ việc/năm.

*… Và rất nhiều chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo nữa?

- Các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo quả là ngày càng được Chính phủ đầu tư nguồn lực thực hiện. Trong các chính sách, Chương trình ấy, TGPL là một bộ phận đóng vai trò quan trọng. TGPL được đánh giá là góp phần giúp người nghèo nâng cao nhận thức cũng như giúp họ hiểu biết để bảo vệ quyền lợi của mình, thụ hưởng các ưu đãi của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo. Nhưng mức đầu tư của các Chương trình này cho TGPL thực sự còn quá ít ỏi. Chương trình mục tiêu cũng đã kết thúc năm 2010, Chính phủ thì chưa ban hành Chương trình cho giai đoạn mới.

Sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả

* Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Xét về mặt chủ quan, tôi cho rằng, nhận thức về TGPL của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và một số chính quyền còn chưa đúng mức, có nơi còn lệch lạc, lo TGPL phát hiện ra những sai sót và yếu kém của công chức nên công tác TGPL chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Có địa phương quan niệm Trung tâm TGPL là đơn vị phải tập trung vào nhiệm vụ chính là phổ biến nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, bảo vệ các quyết định của chính quyền hơn là mục đích giúp một người dân cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị vi phạm hoặc có tranh chấp. Mặt khác, các tổ chức TGPL, Sở Tư pháp cũng chưa đề xuất các cấp chính quyền và các Sở ban ngành quan tâm và vào cuộc sát sao hơn trong TGPL.

* Từ phía ngành Tư pháp, chúng ta cần có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập, thưa bà?

-  Tôi cũng mong muốn như vậy, bản thân Cục cũng nỗ lực song chưa đủ. Muốn pháp luật thật sự được tôn trọng, chính người làm ra pháp luật phải thấy pháp luật là quan trọng. Tuy nhiên, để TGPL phát triển thì phải có các giải pháp tăng cường huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cho Quỹ TGPL Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Không những thế, phải làm rõ hơn trách nhiệm từ các cấp chính quyền cơ sở theo đúng quy định của Luật. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác TGPL, trong đó ưu tiên trang bị cho việc xây dựng trụ sở để tiếp dân, phục vụ trực tiếp hoạt động TGPL, cho quản lý tổ chức và hoạt động TGPL, cho nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc, bố trí phương tiện đi lại khi TGPL ở cơ sở. Và quan trọng nữa là chúng ta phải biết sử dụng đúng đắn và hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động TGPL, tránh tình trạng ghi cho TGPL nhưng lại đầu tư cho hoạt động khác.

Chúng tôi cũng đang hy vọng Chiến lược phát triển TGPL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ở Việt Nam khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ tạo khả năng xây dựng và tăng cường các điều kiện bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của TGPL. Phạm vi của Chiến lược có tính quốc gia này sẽ giúp tập trung nguồn lực hơn, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực và tài chính cho công tác TGPL, duy trì và phát triển Quỹ TGPL ở ngay cấp cơ sở, đưa ra các chế độ nhằm thu hút rộng rãi đội ngũ người thực hiện TGPL… ở từng cấp.

* Xin cảm ơn bà!

Cẩm Vân (thực hiện)