Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến thẳng thắn cho biết, có một vấn đề mà Luật Công chứng (CC) và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã chưa quy định rõ ràng, dẫn tới tình trạng các cơ quan nhà nước không nhận thấy trách nhiệm của mình. Để khắc phục những bất cập trong gần 4 năm triển khai Luật CC thì đây chính nội dung quan trọng cần nghiên cứu sửa đổi.
Trước mắt, lập Hiệp hội ở 2 thành phố lớn
* Việc thành lập Hiệp hội CC viên tuy không được Luật đề cập nhưng đây lại là đòi hỏi từ thực tiễn, phải không thưa bà?
- Đúng vậy! Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động CC, việc thành lập Hiệp hội CC viên để đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho CC viên là rất cần thiết. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, trước mắt là thí điểm thành lập ở những địa phương có nhiều tổ chức hành nghề CC và số lượng CC viên như Hà Nội, TP. HCM. Tại buổi làm việc với lãnh đạo các Sở, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo 2 Sở Tư pháp TP. HCM và Hà Nội về vấn đề này.
* Nhưng được biết, mới chỉ có Hà Nội là đang “rục rịch”?
- Hiện Hà Nội đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và đang xây dựng dự thảo Đề án về việc thành lập Hiệp hội của mình. Theo lộ trình dự kiến là năm nay ra mắt, còn thời điểm này lập ban vận động thành lập theo tinh thần của Nghị định 45 về tổ chức và quản lý hội. Các tỉnh khác sẽ lần lượt thành lập thì sau này, trên cơ sở các Hiệp hội cấp tỉnh, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu và có đề án trình các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hiệp hội CC toàn quốc.
Dự kiến, tháng 7 ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề CC
* Đã qua gần 4 năm thi hành Luật, với đội ngũ CC viên tương đối hùng hậu nhưng tại sao đến giờ vẫn chưa có bất kỳ quy tắc nào về đạo đức nghề nghiệp điều chỉnh họ?
- Với chức năng tham mưu, Vụ chúng tôi đã xây dựng dự thảo bản Quy tắc đạo đức hành nghề CC, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến của các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tổ chức hành nghề CC. Đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Quy tắc để làm “kim chỉ nam” cho các CC viên trong quá trình hành nghề.
Một điểm vướng nhỏ là liên quan đến vấn đề thẩm quyền ban hành và giám sát thực hiện bản Quy tắc, còn nội dung cụ thể của Quy tắc hầu như đã được hoàn thiện. Nếu chúng ta có Hiệp hội thì bản Quy tắc do Hiệp hội ban hành là hợp lý hơn cả. Nhưng vì chưa có Hiệp hội và Luật cũng đã quy định giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm ban hành Quy tắc. Về giám sát thực hiện Quy tắc, Bộ Tư pháp đã ban hành thì Bộ sẽ kiểm tra và tổ chức thực hiện. Trên thực tế để phát huy hiệu quả của bản Quy tắc thì không thể thiếu vai trò của các Hiệp hội. Nếu Hiệp hội CC viên của Hà Nội và TP. HCM được thành lập thì cũng nên đề cập đến vai trò giám sát của Hiệp hội. Còn trước mắt là Bộ Tư pháp vẫn ban hành và kiểm tra, tổ chức thực hiện bản Quy tắc được ban hành.
* Dường như vẫn chậm, thưa bà…?
- Theo kế hoạch, tháng 12/2011 sẽ trình lãnh đạo Bộ ký ban hành. Ngoài ra, còn phải tiến hành một số thủ tục khác như lấy ý kiến thẩm định, trình xin ý kiến của lãnh đạo Bộ… Song chúng tôi đang tập trung cho bản Quy tắc, chỉ trong nay mai sẽ báo cáo với Thứ trưởng phụ trách để có thể ban hành sớm hơn vào tháng 7.
Hai nhóm vấn đề trong sửa đổi Luật CC
* Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật của Chính phủ năm 2012, Luật CC sửa đổi được đưa vào chương trình chuẩn bị. Xin bà cho biết một số nội dung chính của lần sửa đổi, bổ sung này?
- Việc sửa đổi Luật CC được dự kiến theo 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là sửa đổi Luật CC để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 thì sẽ lược bỏ một số thủ tục có tính chất rườm rà như phiếu yêu cầu CC hợp đồng, giao dịch; sửa đổi Điều 47 Luật CC theo hướng giao cho các CC viên của các tổ chức hành nghề CC đã thực hiện CC hợp đồng, giao dịch trước đây được sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch đã CC. Nhóm vấn đề này đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ.
Nhóm 2 là nhóm rất quan trọng, bao gồm những vướng mắc về thể chế phát sinh qua sơ kết 2 năm và đánh giá 4 năm thực hiện Luật CC. Thứ nhất là mô hình của văn phòng CC. Theo Luật thì có 2 loại là văn phòng CC một CC viên và văn phòng CC hai CC viên trở lên. Mô hình một CC viên là bất cập, vì nghề CC phải được duy trì thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu của người dân, đòi hỏi tính ổn định, bền vững cao nhưng khi có một CC viên mà lại bận việc riêng phải nghỉ hoặc ốm, thậm chí chết thì hậu quả pháp lý khó lường, khó giải quyết. Đây là mô hình cần nghiên cứu sửa đổi, có thể theo hướng khuyến khích các văn phòng có từ 2 CC viên trở lên.
Thứ hai là tiêu chuẩn, điều kiện CC viên cần được nâng cao như hạn chế và thậm chí không có đối tượng được miễn tập sự, đào tạo nghề CC giống với nhiều nước hay phải có độ tuổi hành nghề CC nhất định, phải có sức khỏe tốt, không đơn thuần chỉ là có Giấy khám sức khỏe là đủ và có thể phải thi để được bổ nhiệm CC viên theo quy trình chặt chẽ hơn.
* Bà có đề cập đến việc quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền quản lý nhà nước của Luật CC và Nghị định 02/2008/NĐ-CP. Cụ thể là như thế nào, thưa bà?
- Đó là một số vấn đề về trách nhiệm của các Bộ ngành, của UBND cấp tỉnh trong xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến các giao dịch; quy hoạch các văn phòng CC… Có một số điểm vướng thì vẫn đang tiếp tục được tháo gỡ như quy hoạch, mô hình văn phòng CC, tiêu chuẩn bổ nhiệm CC viên. Tuy nhiên, trong thể chế, có vấn đề không đòi hỏi phải sửa đổi mà là tổ chức thực hiện thể chế ra sao cho tốt, tức là địa phương cần tăng cường trách nhiệm quản lý của mình.
Một ví dụ là CC viên đang đứng trước rủi ro là thiếu hệ cơ sở dữ liệu về thông tin liên quan đến hợp đồng, giao dịch bất động sản đã CC. Trong Luật và Nghị định 02/2008/NĐ-CP không quy định nên thực tế đang lúng túng là cơ quan nào làm việc này, không rõ thẩm quyền quản lý. Sở Tư pháp chưa thấy trách nhiệm của mình thì khó tham mưu, UBND cấp tỉnh chưa thấy trách nhiệm của mình thì khó tổ chức thực hiện xây dựng hệ cơ sở dữ liệu được. Trước mắt, chúng tôi đã đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/2008/NĐ-CP. Bên cạnh hệ cơ sở dữ liệu thì cũng có quy chế cung cấp thông tin đất đai, nhà ở giữa cơ quan đăng ký nhà đất cho các tổ chức hành nghề CC. Mong rằng sẽ làm rõ thêm trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho các tổ chức hành nghề CC trong hoạt động của mình.
* Xin cảm ơn bà!
Cẩm Vân (thực hiện)