Cục Trợ giúp pháp lý: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai công tác năm 2011

11/11/2010
Sáng ngày 9/11/2010, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai công tác năm 2011. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ như: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Vụ PBGDPL, Báo Pháp luật Việt Nam cùng đông đảo cán bộ, công chức của Cục Trợ giúp pháp lý. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2010 và kế hoạch công tác năm 2011 do đồng chí Trần Huy Liệu - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày đã ghi nhận những thành tựu trong năm qua của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức thuộc Cục. Trong năm 2010, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tích cực trong công tác, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ, Cục Trợ giúp pháp lý đã cơ bản hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao. Tại Hội nghị, đồng chí Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý cũng nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, những điểm mới, thành công mới của công tác trợ giúp pháp lý năm 2010 so với năm 2009. Cụ thể là:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010) Cục đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 v/v ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg.

Điểm mới của công tác xây dựng thể chế của Cục năm nay là các văn bản đều được xây dựng, ban hành sau khi Dự thảo lấy ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan 2 lần. Các vấn đề đều được các đơn vị bạn đưa ra những góp ý chi tiết. Đối với phần văn bản liên quan đến các đơn vị thuộc Cục, các đơn vị đều xây dựng một văn bản góp ý riêng liên quan đến đơn vị mình, các kế hoạch đã đề ra của Cục đều được Văn phòng Cục đôn đốc rất sâu sát. Do đó các văn bản ban hành đều đảm bảo chất lượng và đạt chỉ tiêu tiến độ đã đề ra.

Hoạt động năm 2010 của Cục đã bám sát Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2010 (theo Quyết định số 833/QĐ-BTP ngày 08/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Cụ thể, Cục đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ toàn quốc, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng TGPL cho các đối tượng đặc thù nhằm tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý trong việc thực hiện TGPL. Điểm mới của công tác này so với năm 2009 là trong năm 2010, Cục đã chủ động chuyển tài liệu sớm cho học viên tại các địa phương qua thư điện tử, qua trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, qua đó đã tạo lập được tính chủ động cho các học viên chuẩn bị, nghiên cứu nội dung của tập huấn được tốt hơn. Do vậy, hiệu quả đạt được của buổi tập huấn tốt hơn.

Về công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý: Điểm mới của công tác này là bên cạnh việc hướng dẫn, chỉ đạo địa phương bằng văn bản (chỉ đạo từ xa), trong năm 2010, Cục trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Lâm Đồng, Vĩnh Long. Kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015" tại Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Phú Thọ nhằm đánh giá hiệu quả củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm là cơ sở để sơ kết giai đoạn 2008 - 2010 và đề ra các giải pháp giai đoạn 2011 - 2015 đồng thời đánh giá đúng thực trạng về bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ, tình trạng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Trung tâm và các Chi nhánh. Đồng thời, Cục đã tiến hành đánh giá chất lượng vụ việc TGPL bằng hình thức lấy ý kiến về sự hài lòng của người được TGPL và khảo sát lấy ý kiến của người thực hiện TGPL về một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ TGPL. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng chất lượng vụ việc và năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL trong toàn quốc. Qua việc kiểm tra này, Cục đã kịp thời phát hiện những điểm yếu của các địa phương để có những chỉ đạo khắc phục kịp thời nhằm không ngừng đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục phát triển.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đặc biệt được chú trọng kiện toàn cán bộ Lãnh đạo cấp Cục và cấp phòng. Đồng thời, Cục đã hoàn thành việc xác định nguồn cán bộ lãnh đạo cấp Cục và cấp Phòng. Ở các địa phương, công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí nguồn lực cho Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm đã được UBND cấp tỉnh chú trọng, đáp ứng yêu cầu của Luật và đòi hỏi của thực tiễn. Đến nay, đa số các Trung tâm đã được củng cố, kiện toàn, bố trí thêm biên chế để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Hầu hết các Trung tâm đều đã được kiện toàn bộ máy lãnh đạo và thành lập các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, các Chi nhánh tại cấp huyện theo Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm (trong toàn quốc đến nay đã có 146 Chi nhánh tăng 12,3% so với năm 2006), tổng số Trợ giúp viên, chuyên viên pháp lý trong toàn quốc là 791 người (tăng 206% so với năm 2006).

Với việc hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời của Cục theo hướng bám sát thực tiễn, công tác TGPL theo yêu cầu của Luật TGPL ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng hoạt động được chú trọng và đi vào chiều sâu. Số lượng vụ việc đại diện, bào chữa tăng lên đáng kể.

Chỉ đạo sát sao để đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý từng bước được củng cố, tăng cường về số lượng và năng lực thực hiện nhiệm vụ, các Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia đại diện, bào chữa có chất lượng tại các phiên toà. Trợ giúp viên pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện được 40.325 vụ việc (chiếm 47%).

Công tác phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục được tăng cường với những bước phát triển mới đã tạo thuận lợi cho công tác TGPL phát triển cũng như nâng cao vị thế của Cục.

Bên cạnh những thành tựu đạt được Cục đã thẳng thắn chỉ ra những mặt khó khăn, hạn chế của công tác trợ giúp pháp lý trong năm 2010 để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động trợ giúp pháp lý trong năm 2011.

Trong năm 2010, đối với 02 đơn vị sự nghiệp của Cục là Quỹ Trợ giúp pháp lý và Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, ngày 06/01/2010 Bộ trưởng đã có Quyết định số 67/QĐ-BTP về việc giao biên chế sự nghiệp cho Cục, mỗi đơn vị 06 biên chế. Các đơn vị này đã ký hợp đồng cán bộ để có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số chính sách cán bộ và yêu cầu tự chủ mới có Quỹ Trợ giúp pháp lý hoàn thành, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý còn đang trong quá trình xây dựng phương án trình phê duyệt. Cục đề nghị thi tuyển bổ sung viên chức, sớm kiện toàn tổ chức, cán bộ để 02 đơn vị này có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung theo đúng quy định.

Quỹ Trợ giúp pháp lý được xác định là một đơn vị sự nghiệp nhưng tại Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp, Quỹ TGPL chưa được phân loại là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp vì vậy Cục kiến nghị sửa đổi Thông tư.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thay mặt Lãnh đạo Bộ đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích Cục Trợ giúp pháp lý đạt được trong năm vừa qua. Đồng chí mong các cán bộ, công chức trong Cục tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí của tập thể, tiếp tục "đi lên theo thế tiến công", phấn đấu để ngày càng nâng cao vị thế của mình, góp phần khẳng định vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội. Thứ trưởng khẳng định: "Công tác trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, điều đó phản ánh sự sáng tạo trong công tác trợ giúp pháp lý của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức trong Cục Trợ giúp pháp lý". Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu lên một số khó khăn như: tỷ lệ người nghèo được trợ giúp pháp lý hiện nay chưa cao, mảng hoạt động về xây dựng, hoàn thiện thể chế của Cục còn một số văn bản còn "nợ", chậm so với kế hoạch, lực lượng cán bộ công chức có kinh nghiệm lâu năm của Cục được điều động, luôn chuyển sang đơn vị khác, một số đồng chí lãnh đạo sắp tới sẽ nghỉ chế độ... sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với lớp cán bộ công chức ở lại Cục. Quỹ trợ giúp pháp lý hiện nay chỉ tranh thủ được nguồn lực từ ngân sách nhà nước mà chưa huy động được các nguồn lực ngoài xã hội.

   Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng tin tưởng rằng với truyền thống chủ động, sáng tạo, kết hợp khơi dậy tiềm năng của từng cá nhân với sự đoàn kết, nhất trí của tập thể cán bộ, công chức Cục, trong thời gian tới, Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục là "điểm sáng" tạo sự "lan toả" cho các đơn vị trong Bộ và toàn ngành Tư pháp.

Hưng Bình