Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 gắn với tổng kết nhiệm kỳ 2007-2010

10/11/2010
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 gắn với tổng kết nhiệm kỳ 2007-2010
Sáng ngày 10/11/2010, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 gắn với tổng kết nhiệm kỳ 2007-2010. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin, Nhà xuất bản Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Văn phòng Bộ. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2010, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác tham mưu Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, các Đề án trong Chương trình nói riêng được thực hiện nền nếp ngay từ đầu năm, sát hợp hơn với địa phương, cơ sở nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thống nhất, hiệu quả.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật được tập trung hơn với Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, 02 Thông tư (Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (thay thế Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính) và Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 05/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật) được ban hành. Bên cạnh đó, Vụ đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”; trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, ký ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Năm 2010 là năm mà các hoạt động phục vụ xây dựng dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được tích cực triển khai, bảo đảm tiến độ.

   

Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện văn bản của Đảng và Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được quan tâm với việc chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 ban hành theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01, đặc biệt là tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Các Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và Đề án trong Chương trình được triển khai tại nhiều địa phương trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với bước đi phù hợp, ban đầu là tổ chức chỉ đạo điểm, có sơ kết rút kinh nghiệm và sau đó nhân rộng. Các hoạt động, phạm vi triển khai và kinh phí dành cho việc thực hiện các Chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2010 cao hơn so với những năm trước càng chứng tỏ vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Có thể nói việc thực hiện các Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tập trung nguồn lực về con người, kinh phí để các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, cán bộ tư pháp cơ sở nói riêng trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét về hiệu quả công tác này, đặc biệt là địa bàn cơ sở.

   

Năm 2010, Vụ đã có sự tìm tòi, đổi mới hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh phát huy các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, Vụ đã mạnh dạn tiếp thu kinh nghiệm của địa phương, đề xuất với Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn triển khai mô hình “Ngày pháp luật”, đến nay có hơn 20 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch, Quyết định triển khai thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về hoạt động của ngành. Công tác giáo dục pháp luật trong trường học được quan tâm triển khai và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai ngành Tư pháp và Giáo dục - Đào tạo. Hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở được tích cực thực hiện, tập trung vào các hoạt động khảo sát thực tiễn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở phục vụ xây dựng Luật Hòa giải; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hòa giải ở địa phương.

Công tác biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh. Nội dung pháp luật được lựa chọn phù hợp với đối tượng, vùng miền; hình thức tài liệu đa dạng, trong đó chú trọng các tài liệu hỏi – đáp pháp luật, tờ gấp, đĩa hình, đĩa tiếng tuyên truyền pháp luật, Sổ tay phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho cán bộ các ngành chức năng (như: Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ, công chức, viên chức; đĩa DVD phổ biến pháp luật dành cho hội viên, nông dân; tài liệu hướng dẫn công tác PBGDPL trong nhà trường; tài liệu pháp luật và kỹ năng PBGDPL dành cho công chức tư pháp cấp xã, công an xã, thẩm pháp, hội thẩm nhân dân...), trong đó một số tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.

Công tác văn phòng của Vụ được thực hiện với khối lượng công việc lớn, đúng tiến độ, bao quát việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị từ công tác tổng hợp, hành chính đến công tác văn thư, lưu trữ đều chất lượng hơn những năm trước, góp phần quan trọng trong hỗ trợ hoàn thành công tác chuyên môn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo đơn vị.

Phan Hồng Nguyên


Cục Công nghệ thông tin