Đoàn ghi nhận kết quả các mặt công tác mà 02 tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản QPPL, công tác PBGDPL, công tác kiện toàn về tổ chức được quan tâm triển khai thực hiện. Ninh Thuận nắm bắt cơ hội, tham mưu triển khai Thông tư liên tịch 01/2009/TTLT-BTP-BNV và Công văn 60-CV/BCS của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện nâng vị thế Ngành Tư pháp địa phương. Tại các buổi làm việc, Đoàn trao đổi với Sở Tư pháp địa phương các khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá, triển khai các hoạt động mới (Lý lịch tư pháp, theo dõi thi hành pháp luật), về trường hợp áp dụng văn bản QPPL khi có xung đột pháp luật. Cả 02 địa phương đều chậm trong việc xã hội hóa hoạt động công chứng, chậm trong việc triển khai Luật Lý lịch tư pháp; Đắc Nông gặp khó khăn trong việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ UBND sang Phòng công chứng (đã chuyển giao nhưng nay khi tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính theo Đề án 30 thì việc chứng thực các giao dịch, hợp đồng lại quay về UBND cấp xã).
Riêng về công tác thi hành án dân sự cả 02 tỉnh đều đạt chỉ tiêu về việc và về tiền do Bộ đề ra (Đắc Nông đạt 92,36% tổng số việc có điều kiện thi hành và 85,86% số tiền có điều kiện thu; Ninh Thuận đạt 87,3% tổng số việc có điều kiện thi hành và 77,2% số tiền có điều kiện thu). Công tác kiện toàn về mặt tổ chức nhân sự Cục và Chi cục Thi hành án dân sự Đắc Nông còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân sự chưa đáp ứng.
Đồng thời, Đoàn ghi nhận kiến nghị của địa phương như: Tập huấn chuyên sâu về công tác xây dựng và thẩm định văn bản QPPL, Bộ sớm có Thông tư hướng dẫn một số nhiệm vụ mới về lý lịch tư pháp và phần mềm triển khai công tác này; về công tác theo dõi thi hành pháp luật, các vụ chuyên môn thuộc Bộ sớm có văn bản trả lời địa phương, ban hành biểu mẫu thống kê về thi hành án, hoàn thành việc chuyển đổi ngạch chấp hành viên, bồi dưỡng về chính trị cho lực lượng thi hành án….
VP - CQĐD