Trong khuôn khổ của Chương trình hoạt động hỗ trợ đăng ký giao dịch bảo đảm và tài sản thế chấp là động sản trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do tổ chức Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC) thực hiện, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, từ ngày 10/10 - 14/10/2010, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tham dự Chương trình tham quan học hỏi kinh nghiệm về đăng ký giao dịch bảo đảm tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Đây là hoạt động dành cho đối tượng là các cán bộ của các cơ quan đăng ký các nước Lào, Indonesia và Việt Nam nhằm cung cấp những kinh nghiệm của Trung Quốc trong quá trình cải cách pháp luật liên quan đến thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức thực hiện và vận hành hệ thống đăng ký tại quốc gia này.
Trong 3 ngày làm việc, Cục Đăng ký cùng các phái đoàn nước bạn đã tiếp xúc, trao đổi và thảo luận với các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, Ban Tín dụng Ngân hàng Minsheng, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, thăm và làm việc tại Trung tâm đăng ký và thông tin tín dụng, Ngân hàng công thương Trung quốc… đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm giữa các đoàn Lào, Indonesia và Việt Nam. Thông qua những hoạt động này, Cục Đăng ký đã được tìm hiểu về sự cần thiết xuất phát từ thực tiễn Trung Quốc dẫn tới yêu cầu xây dựng, cải cách pháp luật liên quan đến thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản. Nhìn chung, Chính phủ Trung Quốc dành sự quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi, mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đất nước này bằng cách đa dạng hóa các quyền tài sản có thể đưa vào giao dịch bảo đảm. Trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, pháp luật Trung Quốc và pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay Trung Quốc mới chỉ triển khai đăng ký chủ yếu đối với các khoản phải thu. Các quyền tài sản khác cũng như việc đăng ký máy móc thiết bị… đang được các cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc tích cực chuẩn bị và dự kiến sẽ triển khai trong 5 năm tiếp theo. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung Quốc nhằm mục tiêu công khai hóa các thông tin tín dụng, theo dõi sự biến động và quản lý nguồn vốn tín dụng của ngân hàng dành cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Đăng ký cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm từ hệ thống đăng ký và thông tin tín dụng của Trung Quốc về cách xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quản trị, điều hành máy chủ; kinh nghiệm trong bảo mật và an toàn hệ thống đăng ký…
Có thể nói, chương trình tham quan học hỏi kinh nghiệm về đăng ký giao dịch bảo đảm tại Bắc Kinh, Trung Quốc là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phục vụ tốt công tác nghiệp vụ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Với những kinh nghiệm thu được Cục Đăng ký sẽ nghiên cứu tiếp thu, vận dụng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm và triển khai vận hành hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam.
Thu Thủy