Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP

13/01/2010
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP
Trong 2 ngày (12-13/01/2010), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2009/NĐ-CP để rút kinh nghiệm về tổ chức thực hiện và trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 văn bản này.

Hội nghị đã tập trung đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt tích cực của Luật Công chứng và Nghị định 79, tìm ra những điểm còn hạn chế, bất cập của 2 văn bản, cũng như những điểm còn hạn chế trong cách tổ chức thực hiện, các địa phương cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo, đề xuất những giải pháp về tổ chức thực hiện 2 văn bản này trong thời gian tới. Đồng thời, những ý kiến, trao đổi tại hội nghị sẽ góp phần tạo cơ sở để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng, Nghị định 79.

Trong 15 năm thực hiện hoạt động công chứng, chứng thực (1992 - 2007), hoạt động này ở nước ta đã thể hiện những điểm hạn chế cơ bản về mô hình tổ chức hoạt động công chứng, đặc biệt là sự lẫn lộn giữa công chứng và chứng thực dẫn đến quá tải về bản sao tại các phòng công chứng (theo Báo cáo tổng kết khi xây dựng Luật Công chứng thì có từ 95 đến 98% công việc của phòng công chứng là chứng nhận bản sao giấy tờ), khiến người dân và các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chờ đợi, xếp hàng, vấn nạn “cò công chứng” cũng nhờ đó mà phát triển làm mất uy tín của công chứng.

 

Để giải quyết tình trạng nêu trên, ngày 29/11/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng, ngày 18/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển công chứng, chứng thực ở nước ta, đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, dịch vụ hóa và xã hội hóa.

Chỉ trong vòng thời gian ngắn triển khai thực hiện, tính đến 30/12/2009, số tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã tăng gấp đôi so với trước đó (từ 1992-6/2007, cả nước có khoảng 120 phòng công chứng, hiện nay con số này là 254, trong đó có 131  phòng công chứng và 123 văn phòng công chứng). Số lượng các hợp đồng, giao dịch mà các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã chứng nhận trong 2 năm (01/7/2007 - 30/6/2009) là 1.485.550, tổng phí công chứng thu được gần 550 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so với trước khi có Luật Công chứng. Điều quan trọng là các tổ chức hành nghề công chứng đã có sự thay đổi lớn trong thái độ, phong cách phục vụ.

Nghị định 79 với việc tách chứng thực bản sao ra khỏi hoạt động công chứng, phân cấp mạnh mẽ việc chứng thực cho cấp xã và cấp huyện đã tạo điều kiện thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trong việc chứng thực các bản sao văn bản, giấy tờ, chứng thực chữ ký… Cũng trong khoảng thời gian 2 năm, các UBND cấp xã và các Phòng Tư pháp trong cả nước đã chứng thực được 1.145.056.795 bản sao từ bản chính và 8.100.530 chữ ký cá nhân với số lệ phí thu được gần 309 tỷ đồng. Các nhu cầu chứng thực của người dân được thực hiện tương đối nhanh chóng, kịp thời, giải tỏa tình trạng xếp hàng, chờ đợi, bức xúc để chờ chứng thực bản sao ở các phòng công chứng trước đó.

Bên cạnh mặt tích cực cơ bản nêu trên, Luật Công chứng và Nghị định 79 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sự không đồng bộ trong một số quy định của Luật Công chứng với một số luật khác (Luật Đất đai, Luật Nhà ở,…) một số quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, về tổ chức hành nghề công chứng, về quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng… còn thiếu cụ thể; các quy định về phân cấp chứng thực bản sao theo Nghị định 79 còn rườm rà, thiếu tính khả thi…

Sau khi nghe Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện về thể chế và tổ chức triển khai hoạt động công chứng, chứng thực trong thời gian tới.

Đa số các ý kiến đề xuất tập trung vào việc thể chế hóa các công văn hướng dẫn về hoạt động công chứng để tạo cho các văn phòng công chứng tâm lý yên tâm khi áp dụng; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến hoạt động công chứng để tạo sự cho đồng bộ, thống nhất. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì thành lập Hiệp hội công chứng viên toàn quốc để có một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên và thống nhất các hoạt động cho các tổ chức hành nghề công chứng; ban hành Bộ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng chuẩn để áp dụng chung; phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các hoạt động công chứng để người dân hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ, giá trị pháp lý của hoạt động công chứng, đặc biệt là đối với văn phòng công chứng; thành lập Quỹ bảo hiểm nghề nghiệp công chứng để bồi thường; quản lý việc cấp phép hoạt động văn phòng công chứng chặt chẽ hơn, theo hướng đi sâu vào chất lượng phục vụ. Chuyển giao các hợp đồng, giao dịch mà UBND cấp huyện, cấp xã đang chứng thực sang cho tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận, đồng thời có biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng nhằm tách bạch rõ công chứng và chứng thực theo tinh thần Luật Công chứng; thực hiện liên kết mạng internet nội bộ để chia sẻ thông tin là cơ sở để kiểm soát các hợp đồng, văn bản công chứng, tránh sai sót và tiêu cực trong hoạt động công chứng; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công chứng, chứng thực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công chứng, chứng thực để giảm chi phí và phiền hà cho người dân…

Cục Công nghệ thông tin