Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9168/VPCP-PL ngày 25/12/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, ngày 07/01/2010, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã có buổi họp liên ngành do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, đ/c Đinh Dũng Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính, thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập. Tại cuộc họp các Bộ, ngành đã thống nhất các nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện Chương trình là 5 năm (2010-2015) để phù hợp với các mục tiêu đề ra và khối lượng các hoạt động được triển khai của Chương trình.
Thứ hai, về kinh phí thực hiện Chương trình, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất đề nghị dự toán cụ thể kinh phí từng hoạt động của các dự án trong chương trình. Về vấn đề này trong quá trình soạn thảo, Tổ Biên tập đã phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị chi tiết dự toán cụ thể kinh phí từng hoạt động của các dự án trong chương trình tại dự thảo ngày 28/8/2009 và đã xin ý kiến các Bộ, ngành để lên dự kiến cụ thể, để đảm bảo cập nhật số liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đây là những nội dung kinh phí chi tiết để thực hiện, đại diện các Bộ, ngành đề nghị giao cho nhóm công tác có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát phụ lục chi tiết kinh phí nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phân định rõ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, các nguồn khác theo quy định của pháp luật để trình Lãnh đạo, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện chương trình, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị như sau:
- Về các giai đoạn thực hiện Chương trình, so với dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11/2009 thì dự thảo mới đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Chương trình là 5 năm, do vậy cần phải các định các giai đoạn cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình theo nguyên tắc trong 2 năm đầu tổ chức các hoạt động điểm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở 7 địa phương được lựa chọn để xây dựng mô hình hiệu quả các hoạt động và sẽ triển khai mở rộng ở các Bộ, ngành và địa phương còn lại trong 3 năm cuối của Chương trình. Phương án này cũng đã được đề xuất trong quá trình soạn thảo Chương trình và đã được Ban Sọan thảo, các Bộ, ngành có liên quan nhất trí, do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị phương án thực hiện Chương trình là 5 năm và chia làm 2 giai đoạn là phù hợp.
- Về chủ trì và phối hợp các hoạt động của Chương trình, trong quá trình soạn thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất việc phân công nhiệm vụ cho một số Bộ, ngành chủ trì một số dự án Chương trình. Tuy nhiên, theo ý kiến của các Bộ, ngành thì đây là Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên ngành, không liên quan cụ thể đến một ngành, lĩnh vực riêng biệt nào mà cần có sự phối hợp của các ngành liên quan trong từng hoạt động, điều này cũng phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các ngành liên quan để triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong dự thảo ngày 30/11/2009 cũng đã quy định rõ cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện trong từng dự án. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp triển khai các hoạt động ở Dự án 1 và 2; Bộ Công Thương phối hợp triển khai các hoạt động ở Dự án 2.
Để quản lý thực hiện Chương trình được chặt chẽ, hiệu qủa, phát huy yếu tố liên ngành, trong dự thảo Chương trình ngày 30/11/2009, Bộ Tư pháp đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình để chỉ đạo về các hoạt động nhằm đảm bảo sự tham gia của các Bộ, ngành. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung Lãnh đạo Bộ Công thương vào thành phần Ban Chỉ đạo như đã được thể hiện trong dự thảo. Sau khi Chương trình được ban hành, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, ban hành Quy chế quản lý và chỉ đạo, triển khai Chương trình, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng thống nhất giao cho nhóm công tác có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát phụ lục chi tiết kinh phí nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phân định rõ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, các nguồn khác theo quy định của pháp luật để trình Lãnh đạo các Bộ trên và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời phê duyệt Chương trình