Lễ khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam"

27/11/2009
Lễ khởi động dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam"
Trong chiều ngày 27 tháng 11 năm 2009, Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc đã làm lễ khởi động dự án hợp tác mới "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" với tổng kinh phí hỗ trợ là 6.4 triệu đô la Mỹ, trong đó có 6.1 triệu đô la Mỹ từ Quỹ chung Một Liên hợp quốc do một số nhà tài trợ song phương đóng góp và hơn 300 ngàn đô la Mỹ là nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tham dự Lễ khởi động dự án gồm có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, bà Setsuko Yamazaki Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương Nguyễn Văn Hiện, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hôi Dương Ngọc Ngưu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Đinh Xuân Thảo. Đại diện các Bộ, ngành, cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ, đại diện các nhà tài trợ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và trong nước quan tâm tới lĩnh vực phát triển pháp luật cũng đã tham dự Lễ khởi động dự án.

Công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam đã được UNDP và các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ từ gần hai thập kỷ qua thông qua việc hợp tác với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp ở cấp trung ương và địa phương của Việt Nam. Gần đây, Dự án liên ngành “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2010” (Dự án VIE/02/015) do Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của UNDP, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Ailen đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ xây dựng và thực thi chiến lược toàn diện đầu tiên của Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quá trình phát triển rất ấn tượng, nhiều văn bản luật đã được ban hành, tiến độ xây dựng các văn bản dưới luật cũng được đẩy nhanh, việc thi hành pháp luật bắt đầu được quan tâm, năng lực của các cơ quan pháp luật cũng được chú trọng tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về năng lực, các quyền hiến định và pháp định mặc dù đã được quy định cụ thể trong các văn bản QPPL song chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của công dân là bước tiếp theo trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam bởi lẽ, những nỗ lực nhằm thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp sẽ không thể đạt hiệu quả nếu Việt Nam không có một tầm nhìn chiến lược bao quát về tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó có trao quyền pháp lý cho người nghèo, lồng ghép các quy phạm quốc tế về quyền con người vào các văn bản pháp luật trong nước, và cần phải có các biện pháp để đánh giá những nỗ lực trong việc đảm bảo công lý thông qua các công cụ đánh giá.

Với kinh nghiệm và lợi thế so sánh của UNDP trong lĩnh vực tiếp cận công lý và bảo vệ quyền, với quan hệ đối tác lâu năm được xây dựng và không ngừng bồi đắp từ giữa thập niên chín mươi đến nay giữa Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Việt Nam và UNDP, với kết quả ban đầu đáng khích lệ của quá trình hợp nhất các tổ chức Liên Hợp quốc thông qua Quỹ một Liên Hợp quốc đã tạo cơ hội phối hợp hành động của Liên Hợp quốc trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, Bộ Tư pháp và UNDP nhất trí cao về việc tiếp tục hợp tác nhằm hỗ trợ thực hiện hai chiến lược về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó ưu tiên tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam.

Dự án sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số hoạt động ưu tiên trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp từ nay tới năm 2014. Dự án này là bước tiếp nối của quá trình hỗ trợ thực hiện Chiến lược Xây dựng và Hoàn thiện Hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Dự án cũng sẽ hỗ trợ Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương thực hiện nghiên cứu một số nội dung mang tính chất liên ngành nhằm thực thi Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020. Một phần hoạt động của dự án sẽ hướng tới việc  tăng cường quan hệ đối tác và điều phối viện trợ giữa Chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội khác, việc này sẽ góp phần bảo đảm hài hòa hóa hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ giúp Việt Nam thực hiện các chương trình cải cách quan trọng nêu trên. Các đôi tác chính tham gia dự án gồm có Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Học viện Hành chính - Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số cơ quan pháp luật, tư pháp khác ở trung ương và địa phương sẽ được xác định trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Dự án sẽ được thực hiện theo phương thức quốc gia điều hành do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì thực hiện và Giám đốc dự án quốc gia là Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên.

Dự án được các nhà tài trợ song phương hỗ trợ thông qua Quỹ chung Một Liên hợp quốc với tổng kinh phí là hơn 6.1 triệu đô la Mỹ và phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng hơn 300 ngàn đô la Mỹ.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam thông qua năm hợp phần ưu tiên sau đây:

1.      Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Xây dựng và  hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp);

2.      Điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức  và các chủ thể khác trong xã hội nhằm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; 

3.      Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập

4.      Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó có xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index - JPI); nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược về Trao quyền pháp lý cho người nghèo; tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hoá các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước;

5.      Tăng cường cải cách tư pháp thông qua hỗ trợ nghiên cứu các nội dung và các sáng kiến mang tính liên ngành.

 

Phát biểu tại Lễ Khởi động Dự án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh: ”Với những mục tiêu, kết quả đã được thống nhất cao giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP, tôi tin tưởng rằng Dự án “Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” sẽ góp phần tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới, mở ra một thời kỳ mới trong hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việc triển khai Dự án này cùng với những dự án đã được ký với các đối tác truyền thống khác  sẽ là một trong những hoạt động góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Kế hoạch chung thực hiện Sáng kiến Một Liên Hợp quốc và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc".

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP, đã chia sẻ ý kiến của mình như sau: "Phấn đấu để đạt được mức thu nhập của người dân ở trung bình sẽ là một thử thách lớn đối với công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam, điều này đòi hỏi cần phải có một nhà nước pháp quyền và khả năng tiếp cận công lý sâu rộng hơn, và người nghèo cần được trao quyền pháp lý mạnh mẽ hơn. Dự án mà chúng ta khởi động hôm nay thể hiện việc UNDP sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ những nỗ lực cải cách quan trọng này."

UNDP đã liên tục hỗ trợ cho lĩnh vực pháp luật và tư pháp của Việt Nam từ đầu những năm 1990 đến nay. Một trong những thành tựu nổi bật của quá trình hợp tác lâu dài giữa UNDP với các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam có thể kể tới hoạt động Đánh giá toàn diện Nhu cầu Phát triển Hệ thống Pháp luật Việt diện được thực hiện từ năm 2002, hoạt động hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược Xây dựng và Hoàn thiện Hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010. Những thành tựu này đã góp phần đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Nguyễn Minh Phương, Vụ HTQT