Thứ trưởng Đinh Trung Tụng làm việc với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Văn phòng Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp về Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ giai đoạn 2010-2020

25/11/2009
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại cuộc họp giao ban Lãnh đạo Bộ ngày 15/6/2009 theo Thông báo Kết luận số 2113/TB-BTP ngày 29/6/2009 về việc xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (CLB) giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, ngày 23/11/2009, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Chủ nhiệm CLB đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Thường trực Ban Chủ nhiệm và Văn phòng CLB về Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của CLB.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng đánh giá cao sự chuyển bị về nội dung Dự thảo Đề án của Văn phòng CLB sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan tại Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cần xem xét một số nội dung trong Đề án để đảm bảo tính khả thi sau khi Đề án được phê duyệt.

Theo Thứ trưởng, việc xây dựng Đề án phải bám sát các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu xây dựng Đề án để phát huy vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CLB, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động của CLB, từng bước thực hiện theo lộ trình bảo đảm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội CLB qua các nhiệm kỳ và có những định hướng cụ thể cho việc tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ III (2013-2017). Về nội dung chính của Đề án, Thứ trưởng, Chủ nhiệm CLB yêu cầu:

Trong giai đoạn I (2010-2012) Đề án phải đạt mục tiêu củng cố một bước về tổ chức và nâng cao hoạt động của CLB nhằm nâng cao vị thế của CLB trong cộng đồng doanh nghiệp và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp.  

Giai đoạn II (2013-2017) và một số định hướng cơ bản đến năm 2020, CLB sẽ từng bước tự chủ trong tổ chức và hoạt động; tăng cường sự tham gia điều hành, quản lý CLB của các doanh nghiệp là thành viên Ban Chủ nhiệm; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trên cơ sở huy động trực tiếp nguồn lực của doanh nghiệp phục vụ cho chính nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động nhằm giúp Bộ Tư pháp thực hiện các hoạt động trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham gia xây dựng thể chế đặc biệt là pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp do Bộ Tư pháp chủ trì hoặc tham gia xây dựng.

Với những yêu cầu nêu trên, sau khi Đề án được hoàn chỉnh, Văn phòng CLB sẽ gửi đến các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB để xin ý kiến trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt./.

Minh Đức