Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành sẽ là cú hích pháp luật đối với doanh nghiệp

23/11/2009
Ngày 20/11/2009, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Ban Thư ký, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Bổ trợ tư pháp và Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật về việc chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của đại diện Ban Soạn thảo, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp trước, Ban Soạn thảo đã nghiên cứu, chỉnh sửa Chương trình, làm việc trực tiếp với đại diện Bộ Tài chính để rà soát chỉnh sửa các nội dung của Chương trình với các nội dung cơ bản như sau:

- Về cơ cấu, bố cục của Chương trình: Bộ Tài chính và các thành viên Ban Soạn thảo thống nhất bố cục chung của Chương trình với đề nghị nhập thành 03 dự án.

 - Về mục tiêu của Chương trình: Mục tiêu chung của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là tổ chức đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật và thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp; thiết lập các điều kiện cần thiết cho hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Phần mục tiêu cụ thể đã được hoàn chỉnh trên cơ sở nêu rõ được các chỉ số thể hiện tính hiệu quả của Chương trình, trong giai đoạn của Chương trình (2010-2012) sẽ phấn đấu xây dựng được các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Nội dung chương trình:

Ban Soạn thảo và Bộ Tài chính thống nhất với nội dung Chương trình gồm 10 hoạt động từ việc nghiên cứu, xác định nội dung, hoạt động ưu tiên đến xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chương trình để đề xuất các hoạt động nhằm phát huy kết quả của chương trình và nhân rộng mô hình điểm.

Các hoạt động của Chương trình được phân thành 3 dự án sau:

Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Dự án này bao gồm các hoạt động chủ yếu sau đây: (1) điều tra, khảo sát thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (2) xây dựng tiêu chí, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (3) xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; và (4) thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Dự án 2: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

Việc hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách cụ thể để trên cơ sở đó nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển một số trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức được cộng đồng doanh nghiệp sử dụng, bao gồm việc hình thành Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hỗ trợ các chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên một số phương tiện phát thanh, truyền hình và tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.

Dự án 3: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Ban Soạn thảo đề nghị nhập Dự án bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và Dự án hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (Dự án 3 và 4 của dự thảo trước) thành một Dự án chung là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể, trong đó sẽ bao gồm 4 nội dung hoạt động: (1) điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động; (2) bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; (3) bồi dưỡng  kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; (4) hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

 - Tổ chức, thực hiện Chương trình

+ Phạm vi, thời gian: Chương trình được triển khai trong phạm vi toàn quốc, có tập trung triển khai điểm tại 7 địa phương được lựa chọn là: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội.

Chương trình được triển khai trong 3 năm (2010 - 2012) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình và có định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2015 để tạo sự bền vững, bảo đảm kết quả của Chương trình có tác động lâu dài.

+ Tổ chức điều hành chương trình

Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng Ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và đại diện các Lãnh đạo UBND các địa phương được lựa chọn.

Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban quyết định thành lập gồm có đại diện các cơ quan nêu trên.

Các cơ quan, tổ chức được phân công thực hiện các hoạt động của Chương trình thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận chuyên trách để chỉ đạo, điều hành và quản lý việc triển khai thực hiện các hoạt động đó và phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình.

- Về kinh phí thực hiện Chương trình:

Theo ý kiến của Ban Soạn thảo và Bộ Tài chính, tổng kinh phí thực hiện Chương trình từ năm 2010 - 2012 dự tính khoảng 250 tỷ đồng, bao gồm: kinh phí ngân sách nhà nước, bao gồm từ nguồn kinh phí thường xuyên của các Bộ, ngành tham gia chương trình (nếu có), ngân sách các địa phương tham gia Chương trình và kinh phí do ngân sách trung ương cấp bổ sung; kinh phí từ đóng góp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia chương trình.

Kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước nhằm triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được các mục tiêu như đã được thể hiện trong Chương trình và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm cho các Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật là huy động sự đóng góp thêm nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động của chương trình chứ không thể đưa ra hạn mức kinh phí đóng góp cụ thể. Do đó, đề nghị chỉ xác định kinh phí dự tính thực hiện Ch­ương trình do Ngân sách nhà nước cấp từ năm 2010 - 2012 là 250 tỷ đồng.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là Chương trình hỗ trợ của nhà nước để tạo cú hích của nhà nước đối với doanh nghiệp, Chương trình sẽ tổ chức đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật và thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp; thiết lập các điều kiện cần thiết cho hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Kết thúc buổi họp Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Ban Soạn thảo hoàn chỉnh Bản tổng hợp kinh phí Chương trình và trình Thứ trưởng Đinh Trung Tụng để hoàn chỉnh tài liệu trình Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/11/2009. 

Trần Minh Sơn