Hoạt động bán đấu giá tài sản: Xã hội hoá phải có lộ trình!

16/11/2009
Hoạt động bán đấu giá tài sản: Xã hội hoá phải có lộ trình!
Chiều ngày 12/11, Hội đồng thẩm định dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Một trong những nội dung được các thành viên quan tâm chính là vấn đề tại sao Dự thảo Nghị định không quy định ngay việc xã hội hoá hoàn toàn hoạt động bán đấu giá tài sản.

Theo đại diện Ban Soạn thảo Nguyễn Thị Minh - Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, tiếp tục chủ trương xã hội hoá hoạt động bán đấu giá tài sản, Dự thảo Nghị định quy định, bên cạnh các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (gọi tắt là Trung tâm) thì có các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thành lập theo 2 loại hình là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, với quan điểm đây là loại hình doanh nghiệp có trách nhiệm vô hạn. Ngoài ra, còn có Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện và Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt. Về vấn đề tại sao vẫn duy trì 63 Trung tâm tại các tỉnh, thành, bà Minh lý giải, phần lớn tài sản bán đấu giá hiện nay là tài sản bắt buộc phải bán đấu giá như tài sản nhà nước, tài sản phải thi hành án… nên có thể coi là các Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, đích hướng đến chắc chắn phải là xã hội hoá triệt để hoạt động bán đấu giá tài sản.

Rất nhiều ý kiến của các thành viên Hội đồng tán thành chủ trương xã hội hoá hoạt động bán đấu giá tài sản phải theo lộ trình. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến, việc xã hội hoá này phải từng bước, tương tự như trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Bên cạnh vẫn duy trì chấp hành viên, chúng ta đang thí điểm mô hình thừa phát lại. “Tuy nhiên, với con số 104 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản đang được tổ chức chủ yếu là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, nếu theo quy định của Dự thảo Nghị định thì phải chuyển đổi mô hình là rất tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc của doanh nghiệp” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ băn khoăn. Ông Dũng cũng đặt câu hỏi, bán đấu giá có phải là kinh doanh có điều kiện không mà phải áp dụng cứng nhắc 2 loại hình doanh nghiệp, mà kể cả kinh doanh có điều kiện thì vẫn có thể cho phép đa dạng, miễn là có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Hoàng Thư