Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia: Có được quản lý nhà nước hay không?

26/10/2009
Bộ Tư pháp đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) và Đề án thành lập Trung tâm LLTP quốc gia. Một trong những vướng mắc là liệu Trung tâm LLTP quốc gia có thể có chức năng quản lý nhà nước hay không?

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất cho biết, dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương, trong đó có 2 chương quan trọng quy định về Trung tâm LLTP quốc gia, mô hình quản lý LLTP ở các địa phương và chương về tra cứu thông tin, cấp phiếu LLTP. Cũng theo ông Thất, hiện đang có 2 phương án về Trung tâm LLTP quốc gia. Cụ thể, phương án 1 thì Trung tâm có 2 chức năng vừa quản lý nhà nước vừa quản trị cơ sở dữ liệu; còn trong phương án 2, Trung tâm chỉ thuần tuý là đơn vị sự nghiệp, quản trị cơ sở dữ liệu về LLTP, chức năng quản lý nhà nước được giao cho Vụ Hành chính tư pháp. Ông Thất nhận định, đây là phương án gây “khó” vì cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp chứ không thuộc Vụ Hành chính tư pháp được. Đồng thời, Vụ Hành chính tư pháp cũng đang xây dựng dự thảo Đề án thành lập Trung tâm LLTP quốc gia. Ông Thất cho rằng, nên có 2 văn bản riêng biệt bởi Nghị định chỉ quy định nguyên tắc, cơ sở hoạt động của Trung tâm, còn cơ cấu, tổ chức, hoạt động phải thể hiện trong Đề án thì mới thực thi được. Theo dự thảo Đề án, Trung tâm LLTP quốc gia có Ban Giám đốc và 5 phòng gồm Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Pháp lý, Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin, Phòng Nhập dữ liệu, Phòng Cung cấp thông tin LLTP. 

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Bá Yên nhấn mạnh, xây dựng Trung tâm LLTP quốc gia thì cứ tuân thủ đúng quy định của Luật. Luật đã quy định rõ tên gọi, nhiệm vụ nhưng ông Yên cũng công nhận, nếu gọi là Trung tâm LLTP quốc gia e là không phù hợp mô hình hiện nay vì Trung tâm không có chức năng quản lý nhà nước. Vì vậy, giải pháp đề xuất của ông Yên là xác định rõ các Trung tâm chủ yếu hoạt động sự nghiệp, còn chức năng quản lý nhà nước giao Bộ Tư pháp (cụ thể là Vụ Hành chính tư pháp) và Sở Tư pháp (cụ thể là Phòng Hành chính tư pháp). Mô hình sự nghiệp không những đúng Luật mà còn phù hợp với tính chất công việc và dễ dàng cho Trung tâm thực hiện cơ chế tài chính. Ngành Tư pháp đã có một số mô hình tương tự, chẳng hạn như Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản (thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp), các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương.

Trưởng Phòng Tổ chức bộ máy (Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp) Nguyễn Ngọc Vũ gợi ý, nên học tập kinh nghiệm xây dựng Nghị định số 93/2008/NĐ-CP về 2 đơn vị mới là Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM. Nghĩa là, đính kèm Đề án thành lập Trung tâm LLTP quốc gia vào Tờ trình Chính phủ về Nghị định để có thể rút bớt văn bản là Quyết định thành lập Trung tâm của Thủ tướng. Đối với dự thảo Đề án, ông Vũ cho rằng, nên đổi tên một số phòng cho phù hợp với tính chất công việc, ví dụ Phòng Hành chính tổng hợp thành Văn phòng, Phòng Pháp lý thành Phòng Nghiệp vụ. Ông Vũ cũng kiến nghị, tách nhiệm vụ quản lý nhà nước về LLTP khỏi Đề án, giao cho Vụ Hành chính tư pháp và bổ sung những chức năng, nhiệm vụ này bằng việc sửa đổi Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Vụ Hành chính tư pháp.

Theo ông Ngô Ngọc Thành (Ban Thư ký, Bộ Tư pháp), Trung tâm LLTP quốc gia phải là một đơn vị thuộc Bộ, Luật đã quy định địa vị pháp lý của Trung tâm ở tầm quốc gia song chức năng đến đâu thì cần phải bàn thêm. Nếu là đơn vị sự nghiệp thì Trung tâm dễ “chết yểu” vì cơ sở dữ liệu về LLTP rất lớn, tốn kém ngân sách. Ở địa phương, không thành lập Trung tâm thuộc Sở Tư pháp mà phải quán triệt tinh thần của Luật là giao cho Sở Tư pháp. Sở giao thêm chức năng, nhiệm vụ cho Phòng Hành chính tư pháp và như vậy chỉ phát sinh biên chế của Trung tâm LLTP quốc gia.

Hoàng Thư