Thêm 1 quy định bị “tuýt còi” vì không phù hợp

13/10/2009
Hôm qua (ngày 12/10), ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL), Bộ Tư pháp cho biết đã ký văn bản gửi tới Vụ Pháp chế, Bộ Công an; Vụ Pháp chế và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính thông báo về việc hai Bộ này yêu cầu chủ xe cơ giới phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực khi làm thủ tục cấp đăng ký xe là chưa phù hợp.

Chưa phù hợp từ Nghị định

Theo ông Sơn, vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về quy định chủ xe cơ giới phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực khi làm thủ tục cấp đăng ký xe tại Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25/02/2009 của liên Bộ Tài chính và Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 35) gây phiền hà cho người dân. Trên cơ sở kết quả kiểm tra bước đầu và ý kiến trao đổi với đại diện các cơ quan có liên quan, Cục KTVBQPPL cho rằng, việc quy định các chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là điều hết sức cần thiết và vấn đề này đã được quy định rõ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. Tại điểm 1.2, Mục 1, Phần II Thông tư liên tịch số 35 đã quy định: “Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi làm thủ tục cấp đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là xe cơ giới) phải yêu cầu chủ xe cơ giới phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực”.

Ông Sơn khẳng định: xét về mặt pháp lý, quy định này chỉ là sự quy định lại nội dung của khoản 2a Điều 22 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gọi tắt là Nghị định 103). Do đó, điểm 1.2 Mục 1, Phần II Thông tư liên tịch số 35 không trái với Nghị dịnh số 103. “Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ thì quy định này của Nghị định số 103 và Thông tư liên tịch số 35 chưa phù hợp” – Cục trưởng Cục KTVBQPPL nhấn mạnh.  

Làm thủ tục đăng ký và sử dụng là hai việc khác nhau

Phân tích cụ thể về sự “chưa phù hợp này”, ông Lê Hồng Sơn cho biết: Theo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), Điều 54 về Cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới quy định: “Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số”. Khoản 3 Điều 85 về Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ quy đinh: “Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe”. Theo đó, ngày 11/3/2009, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06/2009/TT-BCA(C11) quy định về việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó nội dung quy định về danh mục hồ sơ đăng ký biển số xe tại mục A phần II không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Còn theo Khoản 2 Điều 58 về Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Như vậy, Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà không quy định chủ xe cơ giới phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực khi làm thủ tục cấp đăng ký xe. “Theo chúng tôi, làm thủ tục đăng ký xe với việc sử dụng, điều khiển xe là hai việc khác nhau, thời điểm cũng rất khác  nhau, không nên vì tiện lợi cho việc quản lý mà buộc người đi đăng ký xe phải mua bảo hiểm ngay, dù người đó có sử dụng, lưu hành xe ngay sau khi đăng ký hay không” – ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Hiện Cục KTVBQPPL đang đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát để tham mưu, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi những nội dung này tại Nghị định số 103 nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của Nghị định trong hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi tiến hành các thủ tục đăng ký và kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Giang Nam

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL:

Quy định nêu trên tại Nghị định số 103 và Thông tư liên tịch số 35 đã làm nảy sinh bất cập trong thực tế. Đó là: khi đi làm thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người đi đăng ký đã phải xuất trình được Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với một số nội dung mà lẽ ra sau khi đăng ký xe cơ giới mới có thông tin chính thức để xác định (tên chủ xe, số biển kiểm soát) điền vào Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.

Luật Giao thông đường bộ không quy định chủ xe cơ giới phải xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực khi làm thủ tục cấp đăng ký xe”.