Sửa đổi và xây dựng các đạo luật theo tiêu chuẩn của WTO

17/05/2006
Chiều 16.5, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI, Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh) đã trao đổi với các phóng viên báo chí xung quanh kết quả vòng đàm phán song phương Việt Nam-Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

´ Thưa Phó Thủ tướng, sau khi đạt được thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những việc lớn chúng ta tiếp tục phải làm là gì?
Với Mỹ còn 3 bước: Một là hoàn tất văn bản. Hai là ký kết văn bản. Thứ 3 là tranh thủ Quốc hội Mỹ xem xét và dành cho chúng ta quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Với các nước trong WTO nói chung thì việc lớn thứ nhất là mở vòng đàm phán đa phương mới có thể là cuối tháng 6 đầu tháng 7. Thứ hai là làm báo cáo kết nạp. Báo cáo này chúng ta đã phác thảo rồi cần hoàn tất nốt, phải chờ những mảng mà các nước gần đây mới kết thúc đàm phán với chúng ta. Sau khi hoàn tất báo cáo kết nạp đó sẽ đưa ra Hội đồng của họ để họp, lúc đó có cơ hội họ sẽ kết nạp ta.

´ Đánh giá của Phó Thủ tướng về vai trò của Quốc hội trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ và đàm phán gia nhập WTO nói riêng?
Vai trò của Quốc hội rất lớn trong quá trình cải thiện quan hệ với Mỹ nói chung và đám phán WTO nói riêng, biểu hiện gần đây nhất việc Quốc hội nước ta đã đón Chủ tịch Hạ viện của Mỹ sang thăm và làm việc, nội dung chủ yếu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An làm việc để họ ủng hộ dành cho Việt Nam quy chế PNTR. Sắp tới đây, tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội hỗ trợ Chính phủ tiếp tục vận động để Mỹ thông qua Nghị quyết về vấn đề dành cho Việt Nam cơ chế PNTR. Tôi nghĩ là không có vai trò của Quốc hội sẽ là rất khó.

Vừa qua có một số đoàn của Quốc hội sang Mỹ, đó chính là hỗ trợ rất mạnh của Quốc hội trước vòng đàm phán này nhưng mà phải làm việc liên tục, không nghỉ lúc nào. Quan hệ giữa hai Quốc hội phải thường xuyên vì vai trò của các dân biểu của Việt Nam và Hoa Kỳ rất lớn. Nếu họ có tiếng nói thuận thì sẽ đỡ rất nhiều cho quan hệ hai nước.

´ Thưa Phó Thủ tướng, khi gia nhập WTO chúng ta có cơ hội và thách thức. Khi ta ký thoả thuận song phương với Mỹ thì thách thức đối với chúng ta ở những ngành, lĩnh vực nào là lớn nhất?
Mỗi ngành có những cái khó của nó, khó nhất là lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực này đối với chúng ta còn quá mới mẻ, thậm chí nhiều lĩnh vực của chúng ta còn bỏ trống, thậm chí chúng ta chưa có kiến thức, chưa có hiểu biết, các doanh nghiệp của ta chưa quan tâm đến lĩnh vực này. Đấy là những chỗ mà ta còn yếu. Hàng hóa chẳng hạn thì cũng tùy từng mặt hàng, những hàng nông sản: cà phê, cá, hạt tiêu, gạo ta mạnh không ngại gì. Nhưng mặt hàng đậu tương, ngô thì họ mạnh hơn ta rất nhiều. Đối với những ngành đó là cạnh tranh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy phải phân tích từng mặt hàng, còn nói chung chung thì không giải quyết được. Ta có lợi thế lao động rẻ, vì vậy giá những mặt hàng đó ta thâm nhập thị trường rất tốt.

´ Trong đàm phán, thỏa thuận với Mỹ có nói là 12 năm sau khi nước ta ra nhập WTO, Mỹ mới công nhận chúng ta có nền kinh tế thị trường. Vậy khi đến thời điểm đó, những vụ kiện bán phá giá vẫn tiếp tục xảy ra?
Đúng như thế, cơ chế thị trường nhiều thành viên của WTO vẫn chưa được hưởng quy chế này vì nó có những tiêu chuẩn khá phức tạp. Ngay Trung Quốc là nước lớn, phát triển lớn hơn ta rất nhiều, cơ chế của bạn cũng khác ta rất nhiều nhưng cũng phải chịu 15 năm. Ta phấn đấu cố gắng đạt là 12 năm cũng có khá hơn nhưng cũng là một giai đoạn dài và gian khổ. Cái này cũng là cái không đơn giản, một mặt là mình phải đổi mới trong nước, mặt khác phải đấu tranh ngoại giao để ta có thể chấp nhận cái đó. Trước mặt ta phải chịu đựng những cái như vậy.

Triển vọng chúng ta có thể giành được PNTR, chúng ta sẽ phấn đấu đến mức tối đa để có được. Trong tuyên bố đầu tiên của phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng có rất nhiều căn cứ lạc quan về vấn đề này.

´ Nếu không có sớm giành được PNTR thì có ảnh hưởng gì việc chúng ta gia nhập WTO trong năm nay hay không?
Gia nhập WTO theo thông lệ ta đã ký kết với các nước đàm phán song phương rồi và có đàm phán đa phương thì Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Việc Hoa Kỳ có giành cho chúng ta cơ chế đó không là một hoạt động song song nữa. Với Hoa Kỳ chúng ta đang làm việc theo hướng hai chuyện đó cùng xảy ra một lúc.

´ Thưa Phó Thủ tướng, gia nhập WTO tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Vậy chúng ta có chiến lược và kế hoạch gì ?
Toàn bộ đổi mới về cơ chế quản lý kinh tế của chúng ta là áp với việc này. Trong suốt qua hai ba kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đạo luật đều sửa đổi và xây dựng theo tiêu chuẩn của WTO. Chính đó là quá trình lớn nhất.

(Theo TTXVN)