Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế về kiểm soát thủ tục hành chính

15/07/2011
divNgày 11/7/2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành a href="http://vbdh.moj.gov.vn/dldieuhanh.nsf/str/1B482FFCCF78EA2D472578CE000B8DE3?OpenDocument"Quyết định số 1184/QĐ-BTP/a về việc ban hành Quy chế kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp./div

Việc ban hành Quy chế sẽ giúp cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ được thực hiện một cách thống nhất. Quy định của Quy chế đã phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ hoặc chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị khác thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Đông thời, quy định của Quy chế cũng tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thủ tục hành chính một cách thuận tiện, tham gia giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính đó, từ đó giúp cho công tác này được triển khai thông suốt và đạt hiệu quả cao.

Quy chế gồm 9 điều, quy định về nguyên tắc, quy trình, quan hệ phối hợp trong việc đánh giá tác động, lấy ý kiến, công bố, đăng tải, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị thủ tục hành chính, rà soát, kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp, cụ thể:

1. Ngoài những nguyên tắc kiểm soát thủ tục hành chính phải tuân thủ như đã quy định tại Nghị định số 63, Quy chế đã bổ sung thêm các nguyên tắc: Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính; phân công, phân cấp rõ ràng và đề cao trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính; công khai, minh bạch trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Bộ (Điều 2).

2. Quy trình kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp được chia ra thành các quy trình nhỏ từ đánh giá tác động và lấy ý kiến về thủ tục hành chính; công bố, đăng tải thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính; đến rà soát, kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính (Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7).

Quy trình đánh giá tác động và lấy ý kiến thủ tục hành chính được thực hiện tại thời điểm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chính trong việc thực hiện quy trình này, Văn phòng Bộ có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị chủ trì soạn thảo đánh giá tác động thủ tục hành chính và đóng góp ý kiến về thủ tục hành chính đang được dự thảo theo đúng thời hạn (Điều 4).

Quy trình công bố và đăng tải thủ tục hành chính phân chia trách nhiệm giữa đơn vị chủ trì soạn thảo, Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin trong từng công việc cụ thể. Theo đó,  các đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm dự thảo Quyết định công bố do Bộ trưởng ký hoặc uỷ quyền Chánh Văn phòng ký, Văn phòng Bộ thực hiện việc đăng tải thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Cục Công nghệ thông tin phối hợp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ sau khi văn bản được ký ban hành (Điều 5).

Quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện. Các phản ánh, kiến nghị được gửi về Bộ Tư pháp sẽ được Văn phòng Bộ xác minh, phân loại, và chuyển về các đơn vị có trách nhiệm trực tiếp xử lý; trường hợp cần thiết Văn phòng Bộ báo cáo Bộ trưởng giao trực tiếp xử lý một số phản ánh, kiến nghị về quy định thủ tục hành chính đang gây khó khăn, bức xúc cho cá nhân, tổ chức thực hiện (Điều 6).

Quy trình rà soát, kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính được thực hiện như sau: Về rà soát thủ tục hành chính: Các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm rà soát thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của đơn vị; Văn phòng Bộ tổ chức thực hiện việc rà soát, trực tiếp rà soát đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của nhiều đơn vị đồng thời báo cáo Bộ truởng kết quả rà soát và các đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính. Về kiểm soát thực hiện thủ tục hành chính: Bộ trưởng giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; các đơn vị trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính phối hợp với Văn phòng Bộ thường xuyên kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính của cán bộ, công thức, viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (Điều 7).  

3. Quan hệ phối hợp trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp là một trong những nội dung quan trọng của Quy chế. Đặc điểm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ là được thực hiện tại nhiều đơn vị, ở nhiều khâu khác nhau vì vậy, các đơn vị không chỉ có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị mình mà còn phải tăng cường phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan khác, và với Văn phòng Bộ để bảo đảm công tác này được thực hiện thông suốt cũng như đạt được mục tiêu và hiệu quả cao nhất (Điều 8).

Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn quy định trách nhiệm thực hiện việc báo cáo tình hình thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc Bộ đến Văn phòng Bộ trước ngày mười của tháng thứ ba mỗi quý để Văn phòng Bộ tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ (Điều 9).

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 30./.

Thuý Quỳnh, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Bộ