Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước

05/07/2011
divThực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 767/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23 tháng 05 năm 2011 về việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp, ngày 05 tháng 07 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành a href="http://vbdh.moj.gov.vn/dldieuhanh.nsf/str/CDF687F0BBF55EDE472578C400316D4E?OpenDocument"Quyết định số 1128/QĐ-BTP/a quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước./div

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường được xây dựng trên cơ sở Đề án xây dựng Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn bộ máy tổ chức thuộc Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, theo đó, nội dung cơ bản của Quyết định như sau:

1) Về chức năng

Theo Quyết định này, Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; thực thi nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về công tác bồi thường.

2) Về nhiệm vụ, quyền hạn

Về cơ bản, ngoài những nhiệm vụ quản lý nhà nước nói chung, Cục Bồi thường nhà nước có một số nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác bồi thường, cụ thể là:

- Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự trình Bộ trưởng xem xét, quyết định theo thẩm quyền;

- Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng;

- Thực hiện công tác bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Tư pháp;

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường của các tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Sở Tư pháp địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

- Hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án;

- Đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; việc chi trả tiền bồi thường và việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật;

- Nghiên cứu, tổng hợp những yếu kém, hạn chế về lề lối làm việc, trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức đã thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại để báo cáo Bộ trưởng kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục;

- Giải đáp vướng mắc về việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

3) Về cơ cấu tổ chức

Cũng theo Quyết định này, cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước gồm có:

- Lãnh đạo Cục (gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng);

- 03 tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước là Văn phòng Cục, Phòng Chính sách - pháp luật và Phòng Nghiệp vụ giải quyết bồi thường;

- 01 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Trung tâm có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Biên chế hành chính của Cục thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Biên chế sự nghiệp của Cục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

4) Về quan hệ công tác

Ngoài các quy định nêu trên, Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm và mối quan hệ công tác của Cục Bồi thường nhà nước với Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.