Công văn về việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012

29/06/2011
Căn cứ Chỉ thị số 922/CT-TTg ngày 15/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, căn cứ Thông tư số 83/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, để có căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 của toàn Ngành, Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện gấp một số công việc sau:
 

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2011

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2011

Các đơn vị đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và Quyết định số 90/QĐ-BTP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2011.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, các nhiệm vụ quan trọng, các Chương trình, Đề án lớn được giao, đơn vị cần đánh giá kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý.

2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu

Căn cứ kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, dự kiến tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm 2011 trên cơ sở phấn đấu hoàn thành dự toán ngân sách được giao trong năm. Khi đánh giá cần tập trung phân tích tác động của việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, những tác động của các chính sách mới về học phí, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, phí thi hành án dân sự… đối với việc thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2011.

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi thường xuyên

a) Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2011 theo từng chỉ tiêu nhiệm vụ được giao cho đơn vị trong năm 2011;

b) Báo cáo tình hình tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán chi NSNN được giao năm 2011; tình hình tiết giảm chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, đi công tác trong và ngoài nước…, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và kiến nghị;

c) Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ và cơ chế, chính sách, chế độ chi tiêu trong năm 2011, trong đó đánh giá kỹ kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách sau:

- Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện Quyết định 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 3 năm 2011 về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp….; chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp luật đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;

- Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; Tình hình tổ chức triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Quyết định số 1926/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

2.3. Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Các đơn vị được giao thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá tình hình phân bổ, giao, thực hiện dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai.

2.4. Đánh giá kết quả thực hiện chế độ cải cách tiền lương

Đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp tài chính tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương, các khoản có tính chất lương và chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương); từ nguồn thu được để lại theo chế độ quy định; xác định các nguồn năm trước theo quy định chưa sử dụng hết (sau khi đã bố trí đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mức tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng trong năm 2011) chuyển sang năm 2012 (nếu có) để tiếp tục tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

2.5. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển đối với các chủ đầu tư

Các đơn vị dự toán là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng cần tập trung đánh giá các nội dung sau

- Đánh giá tổng quát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB năm 2011 bao gồm giá trị khối lượng thực hiện đến hết Quý II/2011, vốn thanh toán đến hết Quý II/2011 (gồm thanh toán khối lượng hoàn thành và thanh toán tạm ứng vốn đầu tư), dự kiến khối lượng thực hiện và vốn thanh toán đến 31/12/2011; kèm theo biểu phụ lục chi tiết từng dự án, có số liệu về tổng mức đầu tư được duyệt, vốn thanh toán lũy kế đến hết kế hoạch năm 2010, kế hoạch vốn năm 2011 theo các nội dung như trên;

- Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và khả năng đảm bảo vốn đối ứng;

- Đánh giá tình hình quyết toán dự án đầu tư hoàn thành, trong đó nêu rõ thời gian dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán, nguyên nhân và giải pháp xử lý.

II. Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012

1. Về công tác xây dựng kế hoạch năm 2012

Năm 2012 là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ yêu cầu các đơn vị căn cứ vào Dự thảo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 05 năm 2011-2015; trên cơ sở đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011, đồng thời căn cứ vào thực tế yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương để xây dựng kế hoạch năm 2012 của từng cơ quan, đơn vị.

Việc xây dựng kế hoạch năm 2012 cần bám sát kế hoạch của Ngành triển khai các Luật, Nghị quyết, Nghị định, Chiến lược, Quy hoach, Đề án… đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua hoặc phê duyệt trong đó lưu ý tính khả thi của từng nhiệm vụ cụ thể.

2. Xây dựng dự toán ngân sách năm 2012

Các đơn vị khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm năm 2012 và cả giai đoạn 2011-2015 của đơn vị, đúng chế độ, chính sách nhà nước hiện hành và trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo thời gian quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự toán ngân sách nhà nước phải thuyết minh rõ ràng, chi tiết số thu, nhiệm vụ chi.

2.1. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2012

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2012 xây dựng trên cơ sở căn cứ số  thực tế thực hiện thu năm 2010, ước thực hiện thu năm 2011, dự kiến điều chỉnh mức thu (trong đó thu học phí thực hiện theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đến năm học 2014-2015) và những yếu tố tác động đến thu năm 2012 để xây dựng dư toán thu phù hợp, mang tính tích cực. Các nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị lập dự toán riêng nhưng không đưa chung vào dự toán thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

2.2. Xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2012

a) Đối với các cơ quan quản lý hành chính

- Về chi thường xuyên theo định mức: xây dựng trên cơ sở biên chế kế hoạch được giao và định mức phân bổ kinh phí năm 2011 của Bộ cho từng đơn vị dự toán.

- Chi đảm bảo tiền lương, các khoản tính theo lương: Trên cơ sở số biên chế có mặt tại thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2011, các đơn vị tổng hợp nhu cầu kinh phí đảm bảo tiền lương, các khoản đóng góp theo lương của đơn vị (trên cơ sở hệ số lương ngạch bậc, chức vụ của từng cán bộ công chức, các khoản phụ cấp tính theo lương, các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật và mức lương tối thiểu chung 830.000 đồng/tháng); Xác định số đối tượng, mức kinh phí đảm bảo để thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10% (tính đủ 12 tháng sau khi trừ các nguồn cải cách tiền lương theo quy định); các khoản trích theo tiền lương (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp) thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, lộ trình điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, đơn vị cần thuyết minh rõ: số biên chế được giao (được phê duyệt) đến thời điểm lập dự toán, số biên chế thực tế có mặt, số biên chế chưa tuyển dụng.

- Khoản chi đặc thù:

Đơn vị lập dự toán trên cơ sở các nhiệm vụ không được bố trí kinh phí trong định mức chi thường xuyên do Thủ tướng Chính phủ ban hành, kèm theo thuyết minh chi tiết về cơ sở xây dựng dự toán. Dự toán chi không đặc thù xây dựng trên cơ sở tình hình thực hiện ngân sách năm 2011, dự kiến nhiệm vụ năm 2012 (làm rõ các khoản chi chỉ phát sinh năm 2011, không phát sinh năm 2012, các khoản phát sinh tăng mức theo chế độ, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đơn vị phải giải trình cơ sở pháp lý và thuyết minh chi tiết cơ sở tính toán của từng khoản chi đặc thù.

b) Các đơn vị sự nghiệp

- Kinh phí chi đảm bảo hoạt động thường xuyên: các đơn vị xây dựng trên cơ sở phương án giao quyền tự chủ về tài chính đã được phê duyệt, những thay đổi về cơ chế chính sách ảnh hưởng đến nguồn thu, nhiệm vụ chi của đơn vị trong năm 2012, những nhiệm vụ được bổ sung sau khi Bộ trưởng đã giao quyền tự chủ cho đơn vị; Đối với các cơ sở giáo dục thuyết minh rõ cơ sở xây dựng dự chi thực hiện chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo dục;

- Kinh phí chi đảm bảo hoạt động không thường xuyên: các đơn vị lập dự toán trên cơ sở các nhiệm vụ chi chưa được giao trong Quyết định giao quyền tự chủ tài chính, kèm theo thuyết minh chi tiết về cơ sở xây dựng dự toán.

c) Xây dựng dự toán kinh phí nghiên cứu khoa học, sự nghiệp bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, in sách nhà nước đặt hàng…

Đơn vị được giao chủ trì xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí nghiên cứu khoa học, sự nghiệp bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, in sách nhà nước đặt hàng… có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí theo biểu mẫu hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành trình Lãnh đạo Bộ ký gửi các Bộ chuyên ngành theo quy định đồng thời gửi báo cáo về Vụ Kế hoạch – Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách chung của Bộ Tư pháp.

d) Đối với các Chủ dự án viện trợ nước ngoài

Các Chủ dự án viện trợ nước ngoài lập kế hoạch tài chính dự án viện trợ theo biểu mẫu 04 kèm theo Công văn này. Kế hoạch tài chính năm phải phù hợp với văn kiện dự án viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kèm theo báo cáo thuyết minh cụ thể cơ sở, căn cứ tính toán. Bộ sẽ không bố trí vốn đối ứng cho dự án trong năm 2012 nếu Chủ dự án viện trợ nước ngoài không lập kế hoạch tài chính của dự án.

e) Đối với các đơn vị dự toán cấp II

Có trách nhiệm tổng hợp, lập dự toán của đơn vị mình và các đơn vị dự toán trực thuộc gửi về Bộ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn và phân cấp của Bộ. Dự toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp II phải chi tiết theo từng đơn vị sử dụng ngân sách.

Biểu mẫu báo cáo, đơn vị thực hiện theo Biểu mẫu 01, 02, 03, 04 kèm theo Công văn này

2.4. Dự toán chi đầu tư phát triển

Dự toán chi đầu tư phát triển phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 để nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát nguồn vốn đầu tư nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đối với cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012 thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 440/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự và xây dựng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW, giai đoạn 2011 – 2015”

Trong năm 2012, tập trung đảm bảo vốn cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, hạn chế tối đa bố trí vốn cho các dự án mở mới nếu chưa thực sự cấp thiết. Các dự án cần thiết khởi công mới năm 2012 phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có đầy đủ thủ tục đầu tư.

III. Đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, chế độ tài chính

Bộ yêu cầu đơn vị đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tài chính hiện hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước thời điểm lập dự toán ngân sách (trước ngày 20 tháng 7 năm 2011), đồng thời dự kiến kinh phí đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách mới gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch – Tài chính, đối với các đơn vị có tài khoản riêng) hoặc gửi về Văn phòng Bộ (đối với đơn vị không có tài khoản riêng) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Thời gian gửi báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2011 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 gửi về Bộ chậm nhất ngày 12 tháng 7 năm 2011. Khi gửi, đề nghị đơn vị đồng thời gửi về địa chỉ thư điện tử: khtc@moj.gov.vn hoặc fax về số máy 04.62739560

Sau thời hạn nêu trên, nếu đơn vị không gửi dự toán, dự toán ngân sách bố trí cho đơn vị năm 2012 chỉ bao gồm kinh phí chi thường xuyên theo định mức Bộ quy định năm 2011.

Bộ thông báo cho đơn vị biết và khẩn trương tổ chức thực hiện.