Công tác tư pháp tiếp tục hướng về cơ sở

18/01/2010
Công tác tư pháp tiếp tục hướng về cơ sở
“Công tác văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của ngành hướng mạnh vào việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, HĐND, UBND xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, đơn giản; giảm thiểu sự chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, góp phần chống suy giảm kinh tế”... Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng kết luận bế mạc Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2010, khu vực phía Nam tại TP.HCM vào ngày 16/01.

Tư pháp được nâng tầm

Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật đang được triển khai tích cực, có kết quả cụ thể. Chính phủ đã phê duyệt đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Đến nay, các địa phương cơ bản chuyển giao việc chứng thực các giao dịch, hợp đồng liên quan đến nhà, đất từ UBND cấp xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng. Chính sách thu hút nguồn nhân lực cho công tác giám định tư pháp cũng đã được hoàn thiện một bước. Điều đáng mừng là nhận thức của địa phương về vị trí, vai trò của cơ quan tư pháp được nâng lên. Một số tỉnh bố trí Giám đốc Sở Tư pháp là Tỉnh ủy viên; đã luân chuyển, bố trí Bí thư Huyện ủy làm Giám đốc Sở Tư pháp; Chủ tịch UBND huyện làm Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự...  

Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Thứ trưởng chỉ đạo: Cục Thi hành án dân sự các địa phương tập trung làm ngay công tác điều hành, chỉ đạo và tổ chức thi hành nhiệm vụ. Cụ thể, rà soát các vụ việc tồn đọng, thanh kiểm tra ở một số địa bàn có lượng án không có điều kiện thi hành, án tồn đọng quá cao theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng. Bên cạnh đó, các Giám đốc Sở Tư pháp cần tiếp tục phối kết hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ. Về công tác tổ chức, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Công tác tổ chức, cán bộ năm 2010 hướng về cơ sở, quyết tâm xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự và đội ngũ cán bộ tư pháp huyện, xã và pháp chế các bộ, ngành, HĐND, UBND, doanh nghiệp nhà nước...

Băn khoăn chuyện cán bộ “đi”, “ở”

Trước đó, trong phần thảo luận về công tác tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp Gia Lai, cho rằng: Về chương trình tập huấn do Bộ tổ chức thì nên nghiên cứu tập trung nhiều chủ đề cho một đợt tập huấn. Do thời gian qua, nhiều Vụ tổ chức tập huấn nhiều đợt khác nhau, làm cho việc đi lại gặp khó, nhất là “giải quyết” chế độ cho cán bộ. Ông Phan Phi Hổ, Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định lại quan tâm đến công tác quản lý, phát triển đội ngũ luật sư như thế nào cho hiệu quả. Ông Hổ bộc bạch: “Không biết các tỉnh quản lý luật sư thế nào, chứ Bình Định thấy quản khó quá. Nhiều luật sư cho rằng, họ là tổ chức nghề nghiệp, không quản quá chặt... Trong khi đó lãnh đạo tỉnh “phê” Sở Tư pháp có hơn 50 luật sư thôi mà “quản” không nổi”.

Cùng là câu chuyện luật sư, nhưng ông Nguyễn Đình Thơ, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp kiến nghị: “Hiện các tỉnh có nhiều thẩm phán, kiểm sát viên nghỉ hưu. Họ là những người có khả năng bào chữa cho các bị cáo, nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt luật sự. Chính vì vậy, nếu có được “chế định” về “Bào chữa viên nhân dân” để tận dụng những người có kinh nghiệm này thì rất tốt”.

Nói về nguyên nhân công chức “dứt áo” ra đi khỏi Sở, ông Phan Phi Hổ tâm sự: Cán bộ Bình Định mỗi năm “đi” gần chục người, giờ còn có người sắp đi nữa. Sở tạo điều kiện cho anh, em đi học thạc sỹ, rồi lại muốn đi học tiến sỹ. Mà sau khi học tiến sỹ về thì lại “rục rịch” ra đi. Chia sẻ với ý kiến này, bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng: “Không ít cán bộ dù rất muốn gắn bó với Ngành nhưng khó khăn về kinh tế họ đành ra đi...”.

 Về câu chuyện đào tạo cán bộ Tư pháp địa phương mà một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL quan tâm, ông Hoàng Ngọc Thỉnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp luật Buôn Ma Thuột nói: “Trước mắt, khi chưa có trường Trung cấp Luật ở Hậu Giang thì các tỉnh có nhu cầu đào tạo cán bộ cứ trực tiếp liên lạc với tôi hoặc Vụ Tổ chức cán bộ”.

Phong Trần