Công tác tư pháp tỉnh Đắk Lắk: Xứng một trong 10 tỉnh mạnh của cả nước

19/08/2009
Công tác tư pháp tỉnh Đắk Lắk: Xứng một trong 10 tỉnh mạnh của cả nước
“Đề nghị giám đốc Sở nên giới thiệu, “thuyết phục” những người có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức... cho trường, chứ tự mỗi người tự “xung phong” sang trường thì có thể họ e ngại” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Thúy Hiền chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở Tư Pháp tỉnh tỉnh Đắk Lắk vào hôm qua (ngày 18/8/2009) khi nói về nhân sự của trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột.

Thiếu biên chế vẫn “nhịp nhàng”

Theo ông Nguyễn Duy Hữu – Phó giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk, xác định công tác văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Do đó, bên cạnh công việc của mình, Sở thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Luật Ban hành VBQPPL của  HĐND và UBND. Đồng thời triển khai thực hiện “Tiểu dự án PMS” mở rộng về “Tăng cường sự tham gia của người dân và các tổ chức trong việc soạn thảo và tiếp cận đối với các VBQPPL do chính quyền địa phương bàn hành; chưa hết, Sở còn xây dựng và trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy định về quy trình ban hành VBQPPL của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, công tác ban hành VBQPPL ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đều đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Cụ thể, Sở hoàn thành rà soát các VBQPPL của HĐND và UBND tỉnh hiện hành đang được áp dụng đến ngày 31/12/2008 (với 441 văn bản đã được rà soát). Ngoài ra, 12/15 Phòng Tư pháp hoàn thành công tác rà soát VBQPPL... nhằm phát hiện, kiến nghị, xử lý kịp thời...

Ông Hữu cho biết thêm, Sở cũng đã quyết định quy định về chuyển giao thẩm quyền chứng thực bất động sản cho các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt “Tiểu Dự án áp dụng hệ thống quản lý theo kết quả đầu ra (PMS) trong lĩnh vực hộ tịch”; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát thủ tục hành chính, tờ khai hành chính để loại bỏ các khâu công việc, các loại giấy tờ không cần thiết trong quá trình giải quyết như: Công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý... nhờ đó các yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp đều được giải quyết kịp thời... Có thể nói, công tác tư pháp vẫn vận hành “nhịp nhàng”, nhưng Sở Tư pháp Đắk Lắk hiện thiếu đến 20 biên chế, do không tuyển được.

“Sở và Trường” là “hai anh em”!

Ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Tư pháp nêu ý kiến: Công tác tư pháp Đắk Lắk xứng là một trong 10 tỉnh mạnh cả nước, điều đó khẳng định vị thế  tư pháp trong tham mưu cho chính quyền tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Không ngoài xu thế đó, việc ra đời trường Trung cấp Luật nói lên sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và chính quyền địa phương trên đường phát triển. Tuy nhiên, hiện trường chỉ có một vị hiệu trưởng thì quả là khó khăn. Vì vậy, ông Quảng đề nghị Sở tiếp tạo sự ưu ái trên nhiều phương diện cho trường để có thể sớm đi vào hoạt động. Ông Quảng còn “bật mí”, Bộ có nhiều học bổng trong và ngoài nước nhưng Sở chưa có cán bộ  nào. Đồng tình với ông Quảng, TS. Hoàng Ngọc Thỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật tâm sự: Do là đơn vị mới của Bộ, bước đầu còn gặp khó khăn trong công tác nhân sự và mong nhận được sự ủng hộ của từng cá nhân cán bộ Sở. Ông Thỉnh không quên bày tỏ, đánh giá cao công sức của Giám đốc Sở Tư pháp thời gian qua để có được như hôm nay -  một hình hài của trường Trung cấp Luật. Chưa hết, “Chương trình ký kết giữa Bộ và UBND tỉnh Đắk Lắk” cũng từ sự nhiệt thành của Sở Tư pháp nói riêng và các sở, ngành khác nói chung đã có cùng tiếng nói ủng hộ, tạo mọi điều kiện thời gian qua và mong tiếp tục nhận được những quan tâm, chia sẻ đó trong thời gian tới – Ông Thỉnh nói.

Ông Đỗ Xuân Bỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ, bên cạnh công tác của ngành, chúng tôi nhận thấy rằng, việc phối hợp với trường Trung cấp Luật có ý nghĩa đối với địa phương. Sự ra đời của trường sẽ giúp cho tỉnh có thêm nhiều cán bộ tư pháp, từ đó tiến tới xóa khó khăn về cán bộ tư pháp cơ sở. Về đề nghị phối hợp trong công tác cán bộ của trường, ông Bỉnh “hứa” coi “Sở và Trường” như “hai anh em”: Có quan hệ chặt chẽ trong công tác phối hợp, tạo mọi điều kiện cho việc xây dựng trường, trước mắt là nhân sự và cơ sở vật chất. Bởi tương lai, trường không chỉ đào tạo cho địa phương, khu vực mà có thể trở thành nơi đào tạo cho cả hai nước bạn Lào và Campuchia.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã khen ngợi kết quả công tác của tỉnh Đắk Lắk và đồng tình với quan điểm của ông Quảng “Đắk Lắk là một trong 10 tỉnh có công tác tư pháp tốt của cả nước”, trong điều kiện là địa phương có đến 44 dân tộc anh em. Thứ trưởng lấy làm vui khi lãnh đạo cho rằng Sở Tư pháp tham mưu tốt cho tỉnh trong phát triển - kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng. Về việc Sở Tư pháp hiện thiếu 20 biên chế chưa tuyển được, Thứ trưởng yêu cầu Sở phổ biến, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để làm sao tuyển đủ biên chế, có như thế mới làm tốt hơn công tác của mình. Đối với câu chuyện giúp trường về nhân sự, Thứ trưởng đề nghị Giám đốc Sở giới thiệu, “thuyết phục” những người có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức cho trường, chứ tự mỗi người “tự xung phong” sang trường thì có thể họ rất ngại.

Phong Trần