Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Sóc Trăng

19/08/2009
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc tại tỉnh Sóc Trăng
Ngày thứ 2 trong tuần làm việc của Bộ trưởng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại tỉnh Sóc trăng. Là một tỉnh có thành phần các dân tộc người Hoa và Khơ-me sinh sống khá đông nên công tác tư pháp của tỉnh có đặc thù riêng…

Ngành Tư pháp cần quan tâm đến kinh tế - xã hội

Chính vì đặc thù riêng như vậy mà ngành Tư pháp tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm đặc biệt. Buổi làm việc của Bộ trưởng tại hội trường Sở Tư pháp tỉnh có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Đức Kiên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc trăng. Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp nêu lên một vướng mắc hiện tại đang gây bức xúc trong nhân dân: Những quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh ký hay Chủ tịch UBND tỉnh ký. Đây là một vấn đề pháp lý dễ gây nhầm lẫn dẫn đến khiếu kiện của người dân khi bị thu hồi đất. Thực tế này không chỉ xảy ra tại Sóc trăng mà hầu như khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Hệ quả của vấn đề pháp lý không rõ ràng này là khi huỷ bỏ một quyết định thu hồi đất nào đó và ban hành một quyết định mới thì phải áp giá bồi thường ngay thời điểm quyết định sau ban hành… Những hệ quả đó gây khiếu kiện kéo dài trong nhân dân.

Hướng dẫn cách giải quyết vấn đề này, ông Phan Chí Hiếu – Phó Văn phòng khẳng định: Theo luật pháp qui định thì quyết định thu hồi đất phải do UBND tỉnh ban hành, Chủ tịch tỉnh chỉ thay mặt. Vậy quyết định thu hồi đất nào mà Chủ tịch tỉnh ký thiếu hai từ “thay mặt” thì đó là những quyết định không đúng thẩm quyền. Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý: “Ngành Tư pháp phải tham mưu cho UBND tỉnh, thường vụ tỉnh uỷ và các ban ngành liên quan ban hành những nghị quyết riêng cho từng vụ việc cụ thể để giải quyết. Đây là vấn đề sai sót về kỹ thuật tham mưu chứ không phải bản chất của vấn đề. Chúng ta hãy giải thích cho nhân dân hiểu rõ, tránh cả hiện tượng 1 vài luật sư lợi dụng sai sót này”. Nhân tiện, Bộ trưởng cũng nhắc nhở ngành Tư pháp quan tâm sâu hơn về tham mưu cho UBND tỉnh thẩm tra văn bản qui phạm pháp luật của cấp huyện xã, quan tâm hơn những vấn đề nóng trong kinh tế - xã hội mang tính vi mô, sát sườn lợi ích cuộc sống của người dân.

Tỉnh sẽ chỉ đạo liên ngành hỗ trợ ngành Tư pháp

Làm việc với UBND tỉnh, Bộ trưởng nêu lên những vấn đề chính của ngành tư pháp địa phương cần sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo tỉnh. Thứ nhất là vấn đề trụ sở và kho tàng cơ quan thi hành án dân sự tỉnh. Hiện nay cơ quan THADS đang nằm trong khuôn viên Sở Tư pháp quá nhỏ hẹp, tỉnh đã quan tâm tâm cấp 1.200m2 đất để xây dựng trụ sở mới nhưng theo Bộ trưởng với chức năng và nhiệm vụ sắp tới của THA thì trụ sở mới phải cần kho bãi nên UBND tỉnh xem xét thay đổi vị trí và diện tích lên 5000m2. Khi luật THADS có hiệu lực thì công tác tổ chức cán bộ cần sự hỗ trợ của tỉnh uỷ làm sao bố trí đúng người đúng việc. Vấn đề thứ hai mà UBND tỉnh cần chỉ đạo sát sao hơn giữa 3 ngành Công an - Giáo dục - Tư pháp  để đẩy nhanh tiến trình cải chính khai sinh. Theo Nghị định của Chính phủ thì khai sinh là giấy tờ gốc, mọi giấy tờ khác phải trùng lặp dữ liệu trong khai sinh nhưng thực tế hiện nay giữa ba ngành nêu trên của Sóc trăng chưa thống nhất ý kiến với nhau. Vì vậy, cần đẩy nhanh công tác này, hạn chế thấp nhất việc gây khó khăn cho người dân trong cuộc sống.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng ông Huỳnh Thành Hiệp tiếp thu những kiến nghị của Bộ trưởng và ông cho biết: tỉnh Sóc trăng đã được Chính phủ đồng ý cho qui hoạch một trung tâm hành chính mới, tỉnh sẽ theo đề xuất của THA để xem xét cấp một khu đất mới theo yêu cầu Bộ trưởng. Ông cũng thẳng thắn nhận ra sự thiếu đồng bộ của ba ngành trong công tác cải chính khai sinh. Ông hứa sẽ triệu tập cuộc họp giữa ba ngành để tìm ra tiếng nói chung. Đặc biệt ông sẽ đem công tác nhân sự cho ngành Tư pháp ra bàn thảo trong cuộc họp thường vu tỉnh uỷ sắp tới để tạo nhân lực cho ngành tư pháp khi luật THADS và Luật Bồi thường nhà nước có hiệu lực. Vấn đề thực tế khác của tư pháp Sóc trăng là khai sinh cho con nuôi (vì tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc cao). Hiện theo nghị định 158 và thông tư 01 thì cho thay đổi về phần khai cha mẹ nuôi nhưng BLDS thì không cho xác định lại dân tộc theo cha mẹ nuôi nên tại đây có nhiều khai sinh của trẻ sơ sinh cha mẹ là dân tộc Kinh nhưng con lại là dân tộc Khơ-me hay Hoa…Bộ trưởng xác nhận thực tế này và sẽ có ý kiến với các bộ ngành khác trong cuộc họp giao ban Chính phủ sắp tới.

(Ngọc Long, ảnh Vĩnh Phong)