Đoàn công tác kiểm tra Cải cách tư pháp làm việc tại Bình Phước: Cải cách tư pháp chưa đạt nếu như thiếu sự tranh tụng

21/03/2008
Đoàn công tác kiểm tra Cải cách tư pháp làm việc tại Bình Phước: Cải cách tư pháp chưa đạt nếu như thiếu sự tranh tụng
Ngày 20/3, Đoàn kiểm tra công tác Cải cách tư pháp (CCTP) của Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu đến Bình Phước kiểm tra công tác CCTP theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Ngày đầu tiên, Đoàn đã làm việc với Toà án nhân dân (TAND) tỉnh và cơ quan tiến hành tố tụng huyện Đồng Phú.

Án huỷ, sửa, trả hồ sơ… còn nhiều! 

Báo cáo với Đoàn kiểm tra công tác CCTP Trung ương (gồm Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an…), TAND tỉnh Bình Phước cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 49 (2006-2007), toàn ngành đã giải quyết được 6.013/6627 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 90,7%). Ngành toà án lấy việc tranh tụng tại toà làm căn cứ pháp quyết, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tạo điều kiện cho luật sư, bị hại… tranh luận với viện kiểm sát nhằm làm sáng tỏ vụ án, giúp cho hội đồng xét xử có phán quyết 1 cách khách quan và chính xác. Công tác hoà giải được chú trọng và đạt tỷ lệ khá cao (2 năm hoà giải thành 1222/4055 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại đã thụ lý) 

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết, trong năm 2007 toàn ngành toà án đã có 22 bản án bị huỷ, sửa 127 vụ. Toà đã trả lại cho hồ sơ cho Viện kiểm sát đến 231 vụ…Nêu lên nguyên nhân án bị huỷ, trả nhiều bà Nguyễn Lê Lan, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết, do hồ sơ điều tra chưa đầy đủ, chứng cứ mâu thuẫn, nhiều bị cáo chưa thành niên mà không có luật sư tham gia.  

Tại huyện Đồng Phú, chánh án Chu Văn Tiến cho biết trong năm 2007 trả hồ sơ cho VKS 21 vụ. Tương tự, cơ quan VKS cũng trả cho công an 15 vụ. Nguyên nhân được đánh giá, do không có luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra mà luật tố tụng bắt buộc (đối với án có trẻ vị thành niên…),, trong hồ sơ thiếu chứng từ bồi thường. Thượng tá Hoàng Văn Huệ, trưởng công an huyện Đồng Phú thừa nhận việc trả hồ sơ hiện nay là quá cao (đến 11,7%), nhưng cũng phải chấp nhận vì thiếu điều tra viên.  

Tình hình luật sư tham gia  tố tụng cũng đạt rất thấp. Trong số 1384 vụ án được đưa ra xét xử tại Đồng Phú chỉ có 85 trường hợp có luật sư tham gia. Với con số này (tỷ lệ 0,8%),  Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá quá thấp (yêu cầu phải 20%). Theo Bộ trưởng, mục đích của công tác CCTP chưa đạt nếu như không có tranh tụng. Do trình độ người dân còn thấp, vì vậy cần phải có luật sư tham gia. Tình trạng tai nạn giao thông gia tăng rất nhiều, nhưng năm 2007 Toà án chỉ xử 2 vụ hình sự là quá ít, chưa đủ sức răn đe. Cả huyện có 20 đối tượng nghiện ma tuý (theo báo cáo của công an) là quá ít, phải chăng chưa điều tra, phát hiện được nhiều. 

Tăng thẩm quyền: còn nhiều điều phải làm 

Theo TAND tỉnh Bình Phước, việc tăng thẩm quyền đã được thực hiện 5/8 đơn vị trên địa bàn (thị xã Đồng Xoài, Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh và Bù Đăng). Dự kiến đến ngày 1/7/2009 áp dụng các đơn vị còn lại (Phước Long, Chơn Thành và Bù Đốp). Tổng kết công tác xét xử tại các nơi tăng thẩm quyền cho thấy tình hình khá tốt. Trung bình mỗi nơi giải quyết trên 130 án hình sự/ năm và khoảng 150 vụ án dân sự/ năm. Tuy nhiên, theo bà Lan việc tăng thẩm quyền vẫn còn hạn chế về nhiều mặt như cơ sở vật chất chỉ có 1 trụ sở được nâng cấp, còn lại đều chật hẹp, không đảm bảo việc xét xử. Hầu hết các nơi đều trong tình trạng thiếu biên chế do lượng án tăng mạnh khi được tăng thẩm quyền. 

Thượng tá Huệ cũng phàn nàn, sau khi tăng thẩm quyền, các vụ án thụ lý tăng lên, các bị can bị tam giam cũng tăng (trung bình 200 người/năm), nhưng điều tra viên vẫn y như cũ (12 điều tra viên). Trại tạm giam trở nên tình trạng quá tải, chật hẹp rất dễ bị thông cung. VKS cũng đã kiến nghị tình trạng này. Chánh án Tiến cũng phản ánh tương tự. Chưa hết, một số thẩm phán còn phải được điều động đi nơi khác để “chia lửa”… 

Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những khó khăn của địa phương về con người, cơ sở vật chất của ngành toà án tỉnh Bình Phước. Về công tác CCTP, Bộ trưởng đánh giá cao sau 2 năm thực hiện như tỷ lệ xét xử, hạn chế được án tồn đọng, công tác hoà giải…Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị cần phải đánh giá lại công tác CCTP để có những bước đột phá trong thời gian tới, nhất là đừng để xảy ra oan sai, án huỷ sửa nhiều…ảnh hưởng đến quyền lợi công dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư- địa phương đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cần phải làm rõ vì sao năm 2007 tỷ lệ án huỷ, sửa trả hồ sơ nhiều. Phải phân tích được nguyên nhân để có những khắc phục kịp thời.  

Những kiến nghị từ địa phương như cơ sở vật chất, phát triển cán bộ, tăng cường biên chế…Bộ trưởng ghi nhận và phản ánh lại cơ quan có thẩm quyền. 

Theo dự kiến, hôm nay (21.3), Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành làm việc với Sở Tư pháp và Trại tạm giam công an tỉnh Bình Phước.

Hoàng Tuấn

Nội dung kiểm tra  CCTP theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị 

Tình hình tổ chức  nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ tư pháp của địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 49. Công tác bắt, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng. Kết quả rà soát đơn thư khiếu kiện liên quan về hoạt động tư pháp. Tình hình đầu tư, xây dựng cơ bản  các cơ quan tư pháp ở địa phương….