Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc với các cơ quan Tư pháp tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang

08/03/2008
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm việc với các cơ quan Tư pháp  tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang
Trong hai ngày 7 và 8/3, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tới thăm và làm việc với UBND và các Cơ quan tư pháp hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tại các buổi làm việc này, lãnh đạo hai địa phương cùng đại diện các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp đã thẳng thắn trao đổi với Đoàn về những thuận lợi cũng như những bất cập và kiến nghị hướng giải quyết bất cập trong công tác tư pháp thời gian tới.

 

Thi hành án dân sự: Vì sao “trên thông, dưới tắc?”

Rất quan tâm, chú trọng tới công tác tư pháp, ông Trần Văn Túy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong thời quan qua, UBND tỉnh Bắc Ninh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, không có vụ án nào làm oan người vô tội phải bồi thường. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Tư pháp: Công an, Kiểm sát, Toà án, Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh thể hiện rõ nhất qua kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2007: đạt 90,4% về việc và 90,3% về tiền. Tuy nhiên, điều này lại thể hiện ngược lại ở kết quả giải quyết số án chuyển giao cho UBND các xã, phường, thị trấn. Năm 2007, số án chuyển giao cho UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trách nhiệm đôn đốc thi  hành là 931 việc, với số tiền phải thu trên 146 triệu đồng. Kết quả, số việc đã thi hành và giải quyết xong chỉ đạt 273 việc, đạt tỷ lệ 30%, số tiền thu được gần 42 triệu đồng, đạt tỷ lệ 29%.

Vì sao lại có khoảng cách lớn như vậy trong các kết quả thi hành án dân sự của các cấp. Trình bày với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ông Nguyễn Đức Trực, Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Ninh nêu ví dụ: giả sử Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thụ lý một bản án có giá trị về tiền là một tỷ đồng. Cơ quan này liền di lý bản án xuống cho Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết. Đương nhiên, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh đã đạt 100% tỷ lệ về việc và về tiền, nhưng trên thực tế, bản án đó chỉ thu về được 50 triệu đồng, còn 950 triệu đồng không có điều kiện thi hành, Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện cứ mãi phải tính vào phần tiền đọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luyện, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đề xuất ý tưởng: “Nếu pháp luật quy định các bản án do Tòa tuyên không có điều kiện thi hành mà Cơ quan thi hành án chứng minh được  nguyên nhân do phía Tòa án (án tuyên mập mờ, không rõ địa chỉ, nội dung tuyên không chính xác v.v…) thì Cơ quan thi hành án có thể trả lại cho Tòa và những khiếu nại về sau chuyển cho Tòa án giải quyết có được không?” Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Tuệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh e ngại luật quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy việc thi hành án giữa Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án. Ông Nguyễn Văn Hoạt, Viện trưởng Viện Kiểm sát Bắc Ninh cho rằng, trong những trường hợp xác định chắc chắn án tuyên sẽ không có điều kiện thi hành, đáng lẽ ra luật phải quy định cho phép Tòa án tuyên bản án vô hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có văn bản luật nào quy định như thế, thành ra, những bản án được tuyên nhưng không có điều kiện thi hành vẫn là gánh nặng đối với công tác thi hành án dân sự và ý tưởng đề xuất của ông Nguyễn Văn Luyện rất đáng để các cơ quan chức năng xem xét.

Tư pháp phải xác định mình đang ở đâu trong quá trình phát triển của đất nước

Đến với ngành Tư pháp tỉnh Bắc Giang, đơn vị vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba đúng dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Ngành (8/31983 – 8/3/2008), Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận: “Trải qua chặng đường ¼ thế kỷ xây dựng, phát triển, với những bước thăng trầm, đến nay, ngành Tư pháp Bắc Giang đã trưởng thành về mọi mặt: cơ cấu tổ chức của Sở, các Phòng Tư pháp quận, huyện, cơ quan thi hành án các cấp từng bước được kiện toàn; đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, lớn mạnh hơn; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ngày càng được tăng cường, mở rộng”. Cùng có chung nhận định như Bộ trưởng Tư pháp, ông Đào Xuân Cần, Bí thư Tỉnh ủy, ông Thân Văn Mưu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đều khẳng định: “ Trong 10 năm qua, các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Bắc Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ. Có được điều đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của ngành Tư pháp”. Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, ông Đào Xuân Cần, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã trao Huân Chương lao động hạng Ba cho ngành Tư pháp Bắc Giang vì đã có những thành tích xuất sắc

Chỉ đạo chung đối với công tác tư pháp hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng ngày nay, ngành Tư pháp nói chung, tư pháp Bắc Ninh, Bắc Giang nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để tự khẳng định mình và phát triển mạnh trong tương lai, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong tinh thần đó, ngành Tư pháp Bắc Ninh, Bắc Giang cần có bước phát triển đột phá hơn nữa trong thời gian tới.  Muốn làm được điều đó, trước hết, ngành Tư pháp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần chú trọng tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của Ngành, nhất là trong những lĩnh vực được giao giúp UBND tỉnh quản lý về mặt nhà nước, với lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể; bám sát Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ của địa phương cũng như  chương trình, kế hoạch công tác của Ngành, để công tác tư pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn những yêu cầu bức xúc, cũng như lâu dài của thực tiễn địa phương. “Cần xác định ngay từ bây giờ, năm 2010, 2015 nếu được thì đến năm 2020, ngành Tư pháp sẽ ở đâu, phải làm gì, làm như thế nào trong sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh, cũng như của mỗi địa phương trong tỉnh” - Bộ trưởng nói.

             Nhiệm vụ thứ hai mà Bộ trưởng yêu cầu ngành Tư pháp hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần chú trọng thực hiện là triển khai đồng bộ các mặt công tác hết sức đa dạng, đa lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực hoạt động phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, các giải pháp đột phá cần áp dụng để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tư pháp. Bộ trưởng lưu ý: “Thời gian trước mắt, cần chú trọng thực hiện tốt hơn công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ  thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự; tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được để tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự, nâng cao hơn nữa tỷ lệ thi hành án; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; chủ động tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Pháp lệnh giám định tư pháp …trên địa bàn, đồng thời chú trọng phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách tư pháp, dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân”.

 Ngoài hai nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở Tư pháp và các đơn vị, cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã trong điều kiện phân cấp ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Xây dựng cơ cấu nhân sự hợp lý, từ đó lên kế hoạch tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển; quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp cấp xã, để đội ngũ này có đủ năng lực, trình độ giải quyết công việc theo thẩm quyền, đặc biệt trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình theo pháp luật. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc trong lĩnh vực tư pháp, xây dựng văn hóa công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh chống tham nhũng, đảm bảo xây dựng ngành Tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Cũng tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp Bắc Giang và đón nhận Huân Chương lao động hạng Ba,  Bộ trưởng Hà Hùng Cường  đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ Tư pháp tỉnh Bắc Giang. 

Giang Nam