Việt Nam sẽ nỗ lực tạo môi trường pháp luật đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển bền vững

14/02/2008
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ tư được tổ chức tại Paris (Pháp) trong hai ngày 13-14/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường đã vui mừng nhận thấy rằng những quan tâm, trăn trở của Bộ trưởng cũng chính là quan tâm và trăn trở của các đại biểu tham gia Hội nghị này.

Đó là làm thế nào để tăng cường năng lực các cơ quan tư pháp góp phần củng cố Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam? Làm thế nào để pháp luật và tư pháp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng một nước đang phát triển có thu nhập thấp trước năm 2010 và trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Những khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và “hội nhập kinh tế quốc tế” đã được chính thức ghi nhận trong những văn kiện chiến lược định hướng cho công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam. Bộ trưởng cũng khẳng định, từ khi giành độc lập và thống nhất đất nước đến nay, hơn lúc nào hết, ngày hôm nay Việt Nam đang có sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ trưởng nêu rõ, về phương diện kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có những bước phát triển có ý nghĩa quan trọng: duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao trong suốt thập niên vừa qua (năm 2007, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt gần 8,5%), đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo (năm 2007, còn 14,7%). Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm huy động mọi nguồn lực nhằm phấn đấu đưa Việt Nam ra khỏi danh mục các nước đang phát triển có thu nhập thấp vào cuối năm 2008. Việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu đó. “Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, trong đó có tính đến sự tương thích với những chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam theo những chuẩn mực quốc tế trong những năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam giành được những thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 20 năm đổi mới.”

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã bày tỏ lời cảm ơn đối với OIF, đặc biệt là CH Pháp, đã có những ủng hộ và giúp đỡ liên tục và hiệu quả trong nhiều năm qua (thông qua Nhà Pháp luật Việt-Pháp) trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và đặc biệt là pháp luật kinh tế nói riêng. “Cho dù đã trở thành thành viên của WTO từ hơn một năm nay, nhưng trước mắt Việt Nam còn nhiều việc phải tiếp tục tiến hành, nhằm tiếp tục làm cho môi trường pháp luật Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả về pháp luật của các chương trình hợp tác pháp ngữ nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ trưởng nói.  

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh: Nếu như trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, thì công cuộc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế của bộ máy nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp đang còn nhiều bất cập. Hai Văn kiện chiến lược về cải cách pháp luật (Nghị quyết số 48) và cải cách tư pháp (Nghị quyết số 49) được ban hành năm 2005, đã xác định rõ những định hướng quan trọng và lộ trình cải cách pháp luật và cải cách tư pháp đến năm 2020. Bộ trưởng nói: “Nhiều đề án quan trọng đang đặt ra trước mắt chúng tôi nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các thiết chế của bộ máy nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp. Những định hướng ưu tiên trong hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam mà chúng tôi kiên trì theo đuổi là những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền, theo đó «công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm», «công chức, viên chức Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép». Trọng tâm của cải cách tư pháp tập trung vào việc tăng cường năng lực toà án, tăng cường chức năng công tố của Viện Kiểm sát, tôn trọng nguyên tắc tranh tụng tại tòa, phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, xây dựng mạng lưới các phòng công chứng, và các tổ chức bổ trợ tư pháp khác, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về thi hành án dân sự và hình sự, đồng thời từng bước xã hội hóa thi hành án dân sự.”

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng hoàn toàn đồng ý với các đại biểu tham dự Hội nghị về những mục tiêu cần tiếp tục theo đuổi. Đó là làm thế nào để cho người dân dễ tiếp cận cơ quan tư pháp hơn, cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả hơn và phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế ở mỗi nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, riêng đối với Việt Nam, thách thức còn rất lớn, bởi lẽ Việt Nam không chỉ phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, mà còn phải tập trung đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ năng lực để triển khai thực hiện các cải cách trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, Bộ trưởng tin tưởng rằng, Hội nghị lần này là một cơ hội tốt để khối Pháp ngữ cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hay cũng như chưa hay trong công tác tư pháp ở các nước Pháp ngữ, đồng thời là cơ hội để bày tỏ sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau của Cộng đồng Pháp ngữ./.

Trong hai ngày 13 và 14/2, Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp). Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp với Pháp tổ chức. 

Nhận lời mời của Tổng Thư ký khối Pháp ngữ Abdou Diouf và Bộ trưởng Tư pháp Pháp Rachida Dati, đại diện của 68 quốc gia thành viên và các quan sát viên của OIF (55 quốc gia thành viên và 13 quốc gia quan sát viên) đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước có sử dụng tiếng Pháp lần này tại Paris. Algeria, nước không thuộc OIF, cũng cử đại diện tham dự với tư cách là “khách mời đặc biệt”. Khoảng từ 50 đến 60 Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị.

Đây là Hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng của khối Pháp ngữ được tổ chức từ nay tới khi diễn ra Hội nghị Cấp cao tại Quebec (Canada) trong thời gian tới. Chính vì vậy, các cuộc trao đổi và kết luận của Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước có sử dụng tiếng Pháp lần này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nội dung của Hội nghị Cấp cao. “Điều hành tốt và dân chủ là những chủ đề của Hội nghị Cấp cao khối Pháp ngữ tại Quebec. Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp hướng tới những công việc thuộc các lĩnh vực này”, một quan chức Pháp ngữ cho biết. Hội nghị có tham vọng tạo đà phát triển mới cho sự hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật giữa các nước thuộc khối Pháp ngữ. Các cuộc thảo luận phải tiến tới thông qua một bản tuyên bố mà sẽ được trình lên các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thuộc khối Pháp ngữ vào tháng 10 tới.

Với tinh thần như vậy, trong hai ngày làm việc, các Bộ trưởng Tư pháp đã tập trung thảo luận hai chủ đề: tăng cường năng lực cho các cơ quan tư pháp nhằm củng cố và phòng ngừa sự suy yếu của thiết chế Nhà nước pháp quyền; pháp luật và sự điều tiết nền kinh tế trong khối các nước có sử dụng tiếng Pháp. Các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay thách thức còn khá lớn đối với tất cả các nước thuộc khối Pháp ngữ, đặc biệt là những nước ở khu vực châu Phi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tư pháp đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong không gian Pháp ngữ. Một quan chức Pháp ngữ đánh giá: “Nhiều nước còn đang trong tình trạng bi kịch. Nhưng chúng tôi cho rằng, thiện chí chính trị đang được gây dựng. Chúng tôi cảm nhận một không gian đầy ý chí. Tuy nhiên, thiện chí này thường xuyên vấp phải những cuộc khủng hoảng, những khó khăn về vật chất và cả những vấn đề về đào tạo”.

Tối 14/2, “Tuyên bố Paris” đã được thông qua trước khi Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ tư kết thúc. Bản Tuyên bố xác định hoạt động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) trong những năm tới trong lĩnh vực pháp luật.

Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp khối Pháp ngữ lần thứ nhất và thứ hai đã được tổ chức tại Paris (Pháp) năm 1980 và 1989, Hội nghị lần thứ ba được tổ chức tại Cairo (Ai Cập) năm 1995. Kể từ Hội nghị lần thứ nhất, nhiều chương trình trong khuôn khổ hợp tác đa phương dã được triển khai thực hiện. Năm 2000, các quốc gia và chính phủ trong khối Pháp ngữ đã nhất trí củng cố Nhà nước pháp quyền với việc thông qua “Tuyên bố Bamako” và sau đó, năm 2006, cùng nhất trí rằng, tư pháp đóng vai trò có ý nghĩa trong việc phòng ngừa các cuộc xung đột và an ninh con người với việc thông qua “Tuyên bố Saint-Boniface./.

Thủy Thu (Theo AFP, Cyberpress, Info690, APS)