Hội nghị Cán bộ, Công chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2008: Tuyên dương những cá nhân, đơn vị đạt thành tích cao trong phong trào thi đua 2007

28/01/2008
Hội nghị Cán bộ, Công chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2008: Tuyên dương những cá nhân, đơn vị đạt thành tích cao trong phong trào thi đua 2007
Chiều 25/1, Hội nghị Cán bộ, Công chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2008 tiếp tục phần thảo luận với ý kiến của ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ HCTP), bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó trưởng Ban Nữ công Bộ), bà Mạc Thị Hoa (Phó Cục trưởng Cục KTVBQPPL), anh Nguyễn Văn Cương (đại diện Đoàn Thanh niên Bộ), ông Vũ Văn Quý (Phó Vụ trưởng Vụ TCCB).

Theo ông Trần Thất, năm 2007, lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp (ban hành NĐ158 về hộ tịch, NĐ79 về công chứng, chứng thực…) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, khi cải cách hành chính cần phải tìm ra nguyên tắc chung để tất cả các đơn vị trong Bộ cùng thực hiện, tránh sự lệch pha, tạo ra một hàng rào thủ tục hành chính “kín” để đảm bảo hiệu quả quản lý. Đồng thời, cần có những biện pháp để đưa người dân sống theo kỷ luật, kỷ cương vì cải cách thủ tục hành chính không phải là để chạy theo, đáp ứng sự tuỳ tiện của một bộ phận dân chúng.

Về công tác đào tạo, ông Vũ Văn Quý cho rằng, năm qua, công tác bồi dưỡng của ngành Tư pháp được đánh giá là đầu tư hiệu quả nhất vì muốn hội nhập tốt phải có chuyên gia pháp luật, luật sư… Đó cũng là yêu cầu đối với việc phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành. Hàng năm, Bộ trưởng ra quyết định cho phép 20% CBCC (thực tế lớn hơn) được đi học trong và ngoài nước. Đây là quyết định mạnh dạn và rất đáng hoan nghênh trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho CBCC Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, trong năm tới, đề nghị lãnh đạo Bộ tạo điều kiện hơn nữa cho CBCC được đi thực tiễn, khảo sát, học tập ở trong và ngoài nước; có nhiều chính sách thu hút cán bộ trẻ (về đời sống vật chất, sử dụng đúng khả năng, tạo điều kiện cho CBCC phát huy trí tuệ, sức sáng tạo…).

Trước đó, theo ý kiến của ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp, một trong những nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là công tác thẩm định VBQPPL. Công tác này phải được thực hiện toàn diện cả về nội dung, tính chất pháp lý nên nhiều khi vẫn bị chậm về tiến độ và chưa đầy đủ về nội dung. Vì vậy, để công tác này đạt hiệu quả cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp, giúp đỡ, hợp tác giữa các đơn vị để đảm bảo chất lượng của các VBQPPL mà Bộ Tư pháp phải thẩm định. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác xây dựng VBQPPL do Nhà nước giao trong năm 2008 (Luật THADS, Bồi thường Nhà nước, Đăng ký giao dịch bảo đảm…), cần phát huy cao độ vai trò của các thiết chế trong Bộ Tư pháp, mà cụ thể là Hội đồng khoa học, đội ngũ lãnh đạo cấp Vụ để phát huy trí tuệ tập thể trong mỗi hoạt động chuyên môn của Bộ, hướng tới hiệu quả cao nhất.

Tổng kết phong trào thi đua năm 2007 tại cơ quan Bộ Tư pháp, đại diện Vụ Thi đua Khen thưởng đã công bố các quyết định của Chủ tịch nước

tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 01 cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 cá nhân là CBCC và nguyên CBCC thuộc Bộ Tư pháp. Ngoài, ra, Công đoàn Bộ Tư pháp cũng đã quyết định công nhận và tặng Bằng khen cho: 12 Tổ Công đoàn vững mạnh xuất sắc; 13 Tổ Công đoàn vững mạnh; 44 Đoàn viên Công đoàn xuất sắc và 212 Đoàn viên Công đoàn tiên tiến. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua năm 2007, bà Nguyễn Thuý Hiền – Cục trưởng Cục ĐKQGGDBĐ, Chủ tịch Công đoàn đã thay mặt Công đoàn Bộ Tư pháp phát động phong trào thi đua năm 2008  trong cơ quan Bộ Tư pháp với khẩu hiệu “Phát huy tinh thần đoàn kết, trung thực, sáng tạo, gương mẫu, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị”. Theo bà Hiền, phong trào thi đua năm 2008 cần tiếp tục được đổi mới để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Bộ và ngành; tăng cường, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện kỷ luật, kỷ cương lao động, thi đua học tập, nghiên cứu về lý luận chính trị và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCC.

Nhân hội nghị này, thay mặt Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng bày tỏ sự ghi nhận và cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của tập thể CBCC trong năm qua, góp phần gặt hái được những thành quả chung cho Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hội nghị này về cơ bản đã đề cập được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của CBCC trong cơ quan về mọi mặt. Đồng chí Hà Hùng Cường khẳng định, hoạt động của Bộ Tư pháp còn có nhiều hạn chế, yếu kém như kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa ngang tầm chức năng, nhiệm vụ được giao (tiến độ chưa đảm bảo và chất lượng về nhiều mặt còn cần cố gắng nhiều); nhiều hoạt động còn mang tính chuyên môn thuần tuý, chưa đi vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, chưa bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị chưa được qui định rõ dẫn đến cơ cấu tổ chức nội bộ còn bất cập, nhiều nhiệm vụ còn bỏ trống, chồng chéo; sự rèn luyện, tu dưỡng của một bộ phận CBCC chưa hiệu quả; một số đơn vị có biểu hiện mất đoàn kết, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn định, hoạt động đấu tranh phê và tự phê yếu; chưa xây dựng được các chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn cho hoạt động trong từng lĩnh vực (ngoại trừ tham mưu xây dựng chiến lược cải cách tư pháp); đời sống vật chất, tinh thần cho CBCC còn hạn chế, sự gắn kết trong cơ quan, đơn vị còn yếu… Do đó, theo Bộ trưởng, để khắc phục, mỗi CBCC cần tự ý thức được bản thân, tìm ra khuyết điểm, thiếu sót chủ quan, không nên ỷ vào các yếu tố khách quan.

Nhiệm vụ năm 2008 rất nặng nề, để tạo chuyển biến mạnh hơn trong hoạt động chung, CBCC Bộ Tư pháp cần xem năm 2008 là năm tổ chức cán bộ của Bộ Tư pháp; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ để hoàn thiện bộ máy, tổ chức; phân cấp mạnh hơn trong công tác quản lý và hoạt động chuyên môn…/.

Hương Giang