Ngày 23/01/2008, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp, thi hành án dân sự và phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008. Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBNDTP Ngô Thị Thanh Hằng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Sau khi nêu bật một số kết quả đạt được trong công tác năm 2007, ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: thành phố đã triển khai đồng bộ, đều khắp các lĩnh vực công tác của ngành theo Chỉ thị 01 hồi đầu năm của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Đặc biệt là trong một số lĩnh vực như công tác văn bản, tuyên truyền pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, cải cách hành chính…(Vì những thành tích này mà năm 2007 Sở Tư pháp Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen – PV). Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, đó là: một số việc còn chậm triển khai do chưa có sự bắt nhịp ngay từ đầu năm, hiệu quả chuyển giao thi hành án có giá trị dưới 500 ngàn thấp, việc thực hiện Nghị định 158/CP về đăng ký hộ tịch, Nghị định 79/CP về chứng thực còn nhiều mắc mớ, lúng túng. Nhất là từ khi thực hiện phân cấp mạnh về cho cơ sở một số việc đã dẫn đến tình trạng quá tải vì cán bộ tư pháp thì chỉ có một người mà phải làm quá nhiều công việc.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp – ông Hoàng Thế Liên đã ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành tư pháp Hà Nội trong năm qua. Thứ trưởng cho rằng Hà Nội có nhiều thuận lợi, đó là sự phối hợp giữa các ngành khá tốt và đặc biệt là sự quan tâm của Thành phố đối với công tác tư pháp. Nhưng, “tư pháp Hà Nội “lành” quá” - Thứ trưởng Liên nói –“ cho nên cần phải mạnh dạn đổi mới, đưa vào những ý tưởng, những sáng kiến làm cho vị thế của ngành được nâng cao, xứng với tầm vóc thủ đô”. Có bốn vấn đề lớn mà Thứ trưởng lưu ý với Hà Nội, đó là trong công tác xây dựng pháp luật, làm sao các văn bản Tư pháp được giao chủ trì phải trở thành văn bản mẫu. Trong công tác thi hành án dân sự, phải lấy vận động, thuyết phục là chính, cùng bất đắc dĩ mới phải tổ chức cưỡng chế. Muốn vậy phải nâng cao trình độ chấp hành viên. Trong giai đoạn hiện nay, thi hành án không thể độc lập mà phải gắn với cả hệ thống chính trị của địa phương. Trong công tác hành chính tư pháp, cần cải cách hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi có yêu cầu, tránh tình trạng phải “bôi trơn” mới giải quyết. Công tác tuyên truyền pháp luật cần đổi mới về hình thức tuyên truyền, nên nói những gì người dân cần chứ không phải những gì mình biết. Phổ biến pháp luật phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn xã hội, chứ không riêng ngành tư pháp.
Bùi Hằng
Năm 2008, ngành tư pháp Hà Nội tập trung giải quyết những vụ việc có điều kiện thi hành; có biện pháp căn bản giải quyết án tồn đọng, hạn chế làm phát sinh án tồn đọng mới. Phấn đấu trong năm: 90% bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành trong thời gian luật định, đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong hoàn toàn 75% vụ việc. |