Công văn hướng dẫn bổ sung về rà soát văn bản theo Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

11/03/2020
Triển khai Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, ngày 13/02/2020, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 432/BTP-KTrVB hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát văn bản. Để bảo đảm chất lượng rà soát văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ theo Quyết định số 209/QĐ-TTg, ngày 06/3/2020, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 753/BTP-KTrVB hướng dẫn bổ sung về rà soát văn bản.
1. Về Kế hoạch rà soát văn bản
Kế hoạch cần xác định rõ chuyên đề, lĩnh vực có thể có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển để tập trung rà soát chuyên sâu. Việc rà soát chuyên sâu các chuyên đề, lĩnh vực này là một nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch rà soát. Ví dụ: Bộ Tư pháp dự kiến rà soát nhóm văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quy định pháp luật về dịch vụ pháp lý, tiếp cận văn bản pháp luật của doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch rà soát của Bộ.
Lưu ý: Hiện nay, một số cơ quan đang triển khai thực hiện rà soát văn bản theo nhiệm vụ (chuyên đề) cụ thể đã được giao tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Để bảo đảm tính tổng thể của kết quả rà soát theo Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có thể xem xét đưa các nhiệm vụ rà soát đã được giao trước đó vào Kế hoạch rà soát văn bản thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg và tổng hợp kết quả rà soát vào Báo cáo kết quả rà soát gửi Bộ Tư pháp theo Quyết định số 209/QĐ-TTg[1]
Ví dụ: Tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ giao “Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc”. Do đó, Ủy ban Dân tộc có thể đưa nhiệm vụ rà soát đã được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP thành một trong những nhiệm vụ rà soát chuyên sâu tại Kế hoạch rà soát văn bản thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg tại Ủy ban Dân tộc.
2. Về việc thực hiện rà soát
Việc thực hiện rà soát do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động thực hiện, tuy nhiên, trong quá trình rà soát cần lưu ý thực hiện một số công việc theo các bước như sau:
2.1. Xác định đầy đủ, chính xác các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát của bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng dẫn tại Mục II.1 Tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật (kèm theo Công văn số 432/BTP-KTrVB ngày ngày 13/02/2020 của Bộ Tư pháp)
Lưu ý: Tại Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực tính đến ngày 31/12/2018 của kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 của bộ, cơ quan ngang bộ đã được tập hợp, sắp xếp theo từng lĩnh vực, thứ bậc hiệu lực của văn bản từ bộ luật, luật đến thông tư. Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng Danh mục này và cập nhật đầy đủ, chính xác các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát của mình tính đến ngày 30/6/2020.
2.2. Xác định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan khác nhưng liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
Ví dụ: Việc rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư theo Luật Đầu tư và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xác định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ khác có liên quan đến pháp luật đầu tư để tiến hành so sánh, đối chiếu, như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở… và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này.
Tương tự, việc rà soát các quy định của pháp luật về đất đai theo Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xác định các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ khác có liên quan đến pháp luật về đất đai để tiến hành so sánh, đối chiếu, như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này.
2.3. Tiến hành rà soát
Việc rà soát cần bám sát vào mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 09/12/2019 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2019 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, đó là: “phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển”. Do đó, trong quá trình rà soát, cần lưu ý một số vấn đề sau:
a) Rà soát, phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo
- So sánh, đối chiếu các quy định trong nhóm văn bản điều chỉnh về cùng một lĩnh vực.
Ví dụ: So sánh, đối chiếu quy định của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hải quan với Luật Hải quan.
- So sánh, đối chiếu các quy định trong nhóm văn bản điều chỉnh về một lĩnh vực với các quy định trong nhóm văn bản điều chỉnh về lĩnh vực khác có liên quan (sau khi đã xác định được văn bản theo hướng dẫn tại Mục 2.2 Công văn này).
Ví dụ: So sánh, đối chiếu quy định của Luật Hải quan và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hải quan với quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
b) Rà soát, phát hiện các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển
Các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển rất đa dạng trong thực tiễn, vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, các bộ, ngành chủ động rà soát để phát hiện, trong đó lưu ý một số trường hợp như sau:
 - Quy định không cụ thể, không rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau hoặc không thể thực hiện được trên thực tế (Ví dụ: không rõ ràng về thời gian, trình tự thủ tục, hồ sơ thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước;…);
- Quy định điều kiện, thủ tục hành chính không cần thiết, không đúng quy định pháp luật;
- Một phần hoặc toàn bộ văn bản không còn được áp dụng trên thực tế nhưng chưa có cơ sở pháp lý để xác định hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Các quy định không còn phù hợp với thực tiễn (căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội; chủ trương, đường lối, chính sách phát triển về lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật; thông qua theo dõi quản lý nhà nước và tiếp nhận thông tin, phản ánh từ cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan);
- Quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn (Ví dụ: các quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được quy định tại luật, bộ luật).
Lưu ý:
- Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản, các bộ, cơ quan ngang bộ lưu ý đến hoạt động rà soát độc lập, chuyên sâu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật mà đại diện lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Tổ công tác để kết hợp tổ chức thực hiện rà soát cho phù hợp, hiệu quả.
- Trong quá trình rà soát, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các bộ, ngành chủ động thu thập, tổng hợp thông tin để tiến hành rà soát bằng các phương thức khác nhau, trong đó cần lưu ý một số căn cứ, nguồn thông tin sau:
+ Các văn bản thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ;
+ Các kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện (như: kết quả rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực đã được giao chủ trì, làm đầu mối thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết quả rà soát văn bản để xây dựng luật, bộ luật, pháp lệnh…);
+ Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật,…
2.4. Về việc tổng hợp kết quả rà soát văn bản
Ngoài việc tổng hợp kết quả rà soát văn bản theo Mẫu Báo cáo và Phụ lục kèm theo Công văn số 432/BTP-KTrVB ngày 13/02/2020 của Bộ Tư pháp, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tổng hợp chi tiết các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển theo Mẫu Phụ lục kèm theo Công văn số 753/BTP-KTrVB./.
 
[1] Việc tổng hợp kết quả rà soát đối với chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan khác có thẩm quyền khi xây dựng Báo cáo kết quả rà soát của bộ, cơ quan ngang bộ gửi Bộ Tư pháp theo Quyết định số 209/QĐ-TTg không thay thế Báo cáo độc lập đối với chuyên đề rà soát theo thời hạn mà bộ, cơ quan ngang bộ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giao.