Đoàn công tác kiểm tra Cải cách tư pháp làm việc tại Bình Phước: Cần phải đột phá trong thời gian tới

24/03/2008
Đoàn công tác kiểm tra Cải cách tư pháp làm việc tại Bình Phước: Cần phải đột phá trong thời gian tới
Ngày 21.3, Đoàn công tác kiểm tra cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm trưởng đoàn tiếp tục làm việc với Sở Tư pháp, Ban chỉ đạo CCTP tỉnh Bình Phước về việc thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) CCTP, sau khi Bộ Chính trị quán triệt Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP giai đoạn 2006-2010, chính quyền và cơ quan tư pháp tỉnh Bình Phước triển khai cho toàn bộ cán bộ trong ngành của mình. Sau 2 năm thực hiện, theo đánh giá của BCĐ, đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tư pháp. Các ngành đều đề ra nhiệm vụ cụ thể. Chất lượng và hiệu quả liên quan đến lĩnh vực tư pháp được nâng lên, đặc biệt hoạt động tố tụng được đánh giá chuyển biến tích cực…

3 thẩm phán giải quyết 548 vụ án/năm! 

Tuy nhiên, theo Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng BCĐ CCTP tỉnh Bình Phước, việc triển khai vẫn còn chậm tại một số địa phương do biến động về bộ máy, thường trực BCĐ còn kiêm nhiệm, chưa tham mưu kịp thời… Số lượng án ở cấp huyện tăng nhiều sau khi thực hiện việc tăng thẩm quyền cho cấp huyện. Chẳng hạn như năm 2007 công an huyện Bù Đăng có 7 điều tra viên (ĐTV) nhưng  phải thực hiện đến 100 vụ án (180 bị can), huyện Phước Long có 10 ĐTV phải giải quyết 219 vụ án (241 bị can), thị xã Đồng Xoài có 8 ĐTV phải xử lý đến 124 vụ án (254 bị can)... “Do thiếu ĐTV nên như hiện nay nên nhiều nơi phải sử dụng cán bộ điều tra làm án rồi đưa cho ĐTV ký vào để hợp thức hoá  nên chất lượng không cao. Dù việc làm này là vi phạm (theo luật phải là điều tra viên-PV), nhưng đây là giải pháp tình thế để giải quyết án tồn đọng”- nhận định của BCĐ CCTP. 

Kiểm sát viên (KSV) cho cấp huyện hiện cũng đang thiếu 31 biên chế (tỉnh cũng thiếu 5 người) nên chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Theo ông Hưng, để đáp ứng nhiệm vụ CCTP, VKSND Tối cao phải bổ sung mỗi huyện từ 5 đến 7 KSV. Thẩm phán cho TAND cấp huyện cũng thiếu trầm trọng khi tăng thẩm quyền (hiện có 5/8 toà án huyện và thị xã tăng thẩm quyền). TAND huyện Bù Đăng có 3  thẩm phán thì phải giải quyết 79 vụ án hình sự, 193 vụ án dân sự và 100 vụ hôn nhân gia đình. Cá biệt, huyện Phước Long có 3 thẩm phán phải giải quyết 214 vụ án hình sự, 147 án dân sự và 187 án hôn nhân… Tương tự, lượng án mà ngành thi hành án cấp huyện cũng đang quá tải. Huyện Bù Đăng có 2 chấp hành viên phải thi hành 1.266 việc/năm, Phước Long có 3 chấp hành viên cũng phải giải quyết 1.292 việc/năm… 

Những rào cản tiến trình CCTP

 Do thiếu hụt về mặt nhân sự nên việc giải quyết án không đạt chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Trong năm 2007, đề nghị truy tố 1.845 vụ (3.857 bị can) nhưng VKS 2 cấp đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung lên đến 219 vụ án (594 bị can). Công an cũng đã phải tạm đình chỉ đến 79 vụ án (130 bị can) do hết hạn điều tra mà chưa xác định tội phạm, đình chỉ 49 vụ án (72 bị can) do bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, tỷ lệ thương tích chưa đến mức khởi tố… Tương tự, trong công tác xét xử án bị huỷ, sửa cũng còn nhiều. Trong 2 năm (2006-2007), Toà án tỉnh bị huỷ 9 vụ án, sửa 21 vụ. Đặc biệt, một vụ án TAND tỉnh Bình Phước tuyên án tử hình và cấp phúc thẩm y án, nhưng sau đó bị TAND Tối cao huỷ án. Cấp huyện cũng có 37 bản án bị huỷ và 147 bản án bị sửa.  

Ngoài những khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất, BCĐ nhìn nhận, một số cán bộ vẫn chưa chặt chẽ trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến một số đảng viên sa sút phẩm chất, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. 

“Việc tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp chưa được toàn diện, khâu tranh tụng tại phiên toà chưa có nhiều chuyển biến. Việc xét hỏi, tranh tụng vẫn mang tính truyền thống, đặc biệt là những vụ án có luật sư tham gia…”- BCĐ đánh giá . 

Công tác thi hành án phạt tù cũng đang gặp nhiều khó khăn, Đại tá Phạm Văn Bé, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, chưa đáp ứng được yêu cầu 2m2/can phạm “Có những lúc cao điểm, buồng 2 người phải giam đếh 6 người. Viện kiểm sát nhiều lần lập biên bản, Hội đồng nhân dân cũng đã kiến nghị, nhưng chúng tôi không thể nào giải quyết định”- ông Bé cho biết. Chưa hết, lương thực đang trong thời kỳ bị “bão giá” nên chất lượng phần ăn cho can phạm không thể đảm bảo. 

Ông Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cũng cho biết, rất khó đáp ứng được tinh thần của Nghị quyết 49 khi Đoàn luật sư (LS) có 67 thành viên, nhưng chủ yếu hoạt động TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Chỉ có 17 LS “trụ” lại ở địa phương. Ông Vinh cũng nhìn nhận phê phán của Sở Tư pháp “LS tham gia bào chữa chỉ định còn mang tính chiếu lệ”. LS Vinh cũng cho biết, muốn CCTP đạt hiệu quả thì phải loại ngay việc cơ quan tiến hành tố tụng gây khó cho LS trong  quá trình làm thủ tục tham gia. “Nhiều trường hợp toà hoãn đi hoãn lại nhiều lần mà không thông báo cho LS biết trước. Ý kiến của LS đưa ra để tranh tụng không được đại diện VKS đối đáp, không được HĐXX quan tâm, đưa vào trong bản án…”- LS Vinh phát biểu.

                                                                                                                                                                 Hoàng Tuấn

BCĐ CCTP tỉnh Bình Phước kiến nghị Trung ương nhanh chóng tăng cường biên chế cho các cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là các chức danh tư pháp. Hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tố tụng trong quá trình thực hiện CCTP. Thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp. Trang bị phương tiện cho cơ quan Thi hành án dân sự. Chỉ đạo Bộ Công an xem xét lại tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm điều tra viên. Xây dựng các nhà tạm giam của công an huyện để bảo đảm việc giam giữ đúng quy định. Trang bị phương tiện đặc chủng cho lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp để thực hiện dẫn giải bị can, bị cáo; bắt bị cáo đang tại ngoại; thi hành án tử hình; bảo vệ phiên toà… vì hiện nay lực lượng này chưa có phương tiện để thực hiện chuyên môn.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: 

Nhanh chóng khắc phục những tồn tại, yếu kém

Qua kiểm tra công tác tại Bình Phước cần đáng ghi nhận đã có nhiều chuyển biến tích cực trong  hoạt động CCTP theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Chất lượng xét xử được nâng lên, hạn chế được nhiều oan sai;  đội ngũ cán bộ tư pháp được kiện toàn, trụ sở làm việc được cải thiện…Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt . Cần phải nhanh chóng khắc phục những cái chưa thực hiện được trong thời gian qua, từ đó có những giải pháp thích hợp để cho hoạt động CCTP tốt hơn.   

Công cuộc CCTP, đảng và nhà nước đang thực hiện hết sức ráo riết trong bối cảnh hội nhập. Bình Phước cũng đang trên đường phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì việc CCTP cũng phục vụ cho sự phát triển này ngoài việc bảo vệ xã hội, ổn định chính trị. Để có những đột phá trong thời gian tới, từng ngành cần phải đề ra chương trình cụ thể để thực hiện. Phải có sự so sánh cụ thể những cái được và chưa được trước đây (khi thực hiện Nghị quyết 08) từ đó rút ra những kim nghiệm thực tiễn, khắc phục sự tồn tại, yếu kém…