Báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2018

26/07/2018
Ngày 26/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo số 170/BC-BTP về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2018.

Nhiều kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm 2018
Theo Báo cáo số 170, ngay từ đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Chương trình hành động của Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã luôn bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, sát với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc.
Theo đánh giá, sáu tháng đầu năm, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác PBGDPL từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; kết quả THADS về tiền đạt cao; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản; việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư được chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể; một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện.
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong 6 tháng cuối năm
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 được xác định tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018 cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2018 cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22; trong đó, lưu ý đối với các dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì lập đề nghị, soạn thảo như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật giám định tư pháp, Luật lý lịch tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì chủ động thông tin tuyên truyền, tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động của chính sách để tạo đồng thuận.
Chuẩn bị kỹ nội dung, bảo đảm đúng hạn các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6 mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo.
Hai là, tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, có hiệu lực, nhất là trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022 ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ba là, tập trung xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế, nhất là ở các địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần theo đúng các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, phấn đấu có thêm ít nhất 10 tỉnh/thành phố áp dụng Phần mềm; giải quyết dứt điểm các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài còn tồn đọng; khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực con nuôi.
Năm là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không tiếp tục quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng; nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các địa phương, nhất là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, thừa phát lại.
Sáu là, tập trung xử lý tốt các vụ khiếu kiện quốc tế, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Bảy là, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự; từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài đã thống nhất về chủ trương. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính; xây dựng trình Chính phủ ban hành Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.
                                                                  - Phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ -