Ngày 17/7/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1821/QĐ-BTP về Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Quyết định 1822/QĐ-BTP về Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Bộ Tư pháp. Các Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Theo
Quyết định số 1821/QĐ-BTP và
Quyết định số 1822/QĐ-BTP, mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTN; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Nhiệm vụ chủ yếu là:
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; quán triệt nội dung các văn bản về PCTN trong các cuộc họp, sinh hoạt Chi bộ. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2018. Gắn công tác PCTN với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kế hoạch cũng nêu rõ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc có liên quan đến tham nhũng;
- Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ.
- Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Theo đó, phải thực hiện nghiêm công tác kê khai tài sản, thu nhập và chế độ báo cáo về kê khai tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN;
- Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đảm bảo công khai minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN. Theo đó, Hoàn thiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật ngành và kiểm tra việc thực hiện ở các địa phương. Chủ động thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; hoàn thiện các quy chế, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về quản lý sử dụng vốn ngân sách, quản lý mua sắm sử dụng tài sản công, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, chế độ hội họp, chi tiêu nội bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.