Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007

15/03/2007
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang áp dụng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo sử dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của bộ, ngành, địa phương mình.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007, ngày 13/02/2007, Bộ Tư pháp hướng dẫn các Sở Tư pháp; Tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương thực hiện các nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2007 như sau:

1. Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân:

1.1. Các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và các địa phương sau khi đã sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 32 cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL; chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành mình chủ trì soạn thảo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp, các cơ quan hữu quan và chính quyền các cấp trong công tác PBGDPL.

1.2. Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giới thiệu, phổ biến kịp thời các luật mới được Quốc hội thông qua đến cán bộ, nhân dân, nhất là những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

1.3. Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương phối hợp với cơ quan Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng, duy trì và tăng thời lượng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật.

2. Tổng kết Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007; đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (Chương trình 212):

2.1. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động PBGDPL phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn, trong đó chú trọng đối tượng cán bộ, công chức, cán bộ chính quyền cơ sở, thanh niên, phụ nữ và người dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.2. Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa xây dựng kế hoạch PBGDPL năm 2007 cần sớm trình Lãnh đạo bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2007 thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007; Kế hoạch thực hiện Chương trình 212 năm 2007.

2.3. Tiến hành tổng kết việc thực hiện Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007 tại bộ, ngành, địa phương trước ngày 30/11/2007. Các bộ, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho giai đoạn tiếp theo.

2.4. Cơ quan tư pháp địa phương chủ động phối hợp với cơ quan tài chính xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cùng cấp về Kế hoạch kinh phí PBGDPL năm 2007, trong đó có kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL.

2.5. Lựa chọn nội dung pháp luật và đổi mới, khai thác các hình thức, biện pháp PBGDPL có hiệu quả với từng đối tượng, địa bàn:

- Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới được ban hành trong năm 2006 và 2007, các văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là những lĩnh vực có nhiều khiếu kiện, gây bức xúc trong xã hội, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; pháp luật về đất đai; pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế; pháp luật về bầu cử; pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma tuý, vệ sinh an toàn thực phẩm...

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương triển khai tuyên truyền 3 sự kiện: Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Tổ chức thành công năm APEC 2006 và Hội nghị APEC 14; Châu Á nhất trí đề cử Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2008 – 2009) theo Hướng dẫn số 16-HD/TTVH ngày 28/12/2006 của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương.

- Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các hình thức PBGDPL đang áp dụng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo sử dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của bộ, ngành, địa phương mình như: tuyên truyền pháp luật qua Trang thông tin điện tử, tăng cường trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, thông tin pháp luật qua hệ thống mạng; tuyên truyền qua hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cổ động trực quan; lồng ghép tuyên truyền vào các phong trào của các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền thông qua phiên tòa xét xử lưu động…

3. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp:

3.1. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể giúp Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm về phương thức hoạt động có hiệu quả của Hội đồng cấp huyện, cấp xã.

3.2. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp.

4. Chuẩn bị nội dung, điều kiện để tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở:

Các địa phương cần thu thập số liệu, chuẩn bị báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2008 để phục vụ việc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vào năm 2008.

5. Nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn:

5.1. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Quản lý, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; lựa chọn hình thức sử dụng sách pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn như: túi sách pháp luật lưu động; ngăn sách pháp luật tại điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa thôn và tủ sách của các tổ chức đoàn thể...

5.2. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo thực trạng quản lý, khai thác tủ sách pháp luật cấp xã và các mô hình sử dụng tủ sách pháp luật có hiệu quả về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trước ngày 30/6/2007 để Bộ có hướng dẫn kịp thời việc quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật trong điều kiện mới.

6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật:

6.1. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật tại các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tổ chức tập huấn văn bản pháp luật mới, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ít nhất 6 tháng một lần.

6.2. Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trong việc sử dụng lực lượng báo cáo viên tư tưởng – văn hóa tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, Tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện; báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm (trước ngày 15/7/2007) và tổng kết cuối năm (trước ngày 15/11/2007) về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để tổng hợp báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ (Có đề cương báo cáo kèm theo).