Bộ trưởng Uông Chu Lưu cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai

12/03/2007
Bộ trưởng Uông Chu Lưu cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai
Thực hiện kế hoạch công tác sáu tháng đầu năm 2007, trong các ngày 08 và 09 tháng 3 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã tới thăm và làm việc tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Cùng đi với Bộ trưởng có Thứ trưởng Đinh Trung Tụng; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Hành chính tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp và một số chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ.

Trong chuyến công tác, ngoài việc thăm và làm việc với các Sở Tư pháp Lai Châu và Lào Cai, Bộ trưởng đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của hai tỉnh (Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan trong khối nội chính tỉnh) nhằm nắm bắt tình hình công tác tư pháp và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp ở hai địa phương.

          Ở Lai Châu, theo báo cáo của UBND Tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn; quy mô sản xuất hàng hoá nhỏ bé, phân tán, kém hiệu quả, phần lớn là tự cấp, tự túc; tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo cao, số xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn nhiều... có thể nói, Lai Châu là tỉnh hiện còn khó khăn nhất trong cả nước. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các cơ quan hành chính nói chung, cơ quan Tư pháp các cấp nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn: trụ sở làm việc hầu hết vẫn là nhà cấp IV, chật chội; trang thiết bị làm việc thiếu thốn và đặc biệt là thiếu cán bộ trầm trọng. Tính đến nay, số biên chế của Sở Tư pháp và 2 đơn vị trực thuộc mới chỉ đạt 64% tổng số biên chế được giao (24/37) và tỷ lệ này đối với các phòng Tư pháp cấp huyện là 75%; hiện còn 4 xã chưa có cán bộ tư pháp - hộ tịch. Về trình độ chuyên môn, chỉ có 20% số cán bộ tư pháp cấp huyện có trình độ đại học, khoảng 40% số cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã có trình độ trung cấp luật và tương đương, còn lại là mới học hết phổ thông trung học, thậm chí có nơi mới tốt nghiệp trung học cơ sở.

Còn với Lào Cai, tuy điều kiện kinh tế - xã hội về mọi mặt khá hơn nhiều so với Lai Châu nhưng Lào Cai vẫn thuộc diện tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới bằng 50% của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao nên  ngân sách địa phương còn hạn hẹp, kinh phí cấp cho hoạt động của các cơ quan hành chính nói chung, trong đó có hoạt động của các cơ quan Tư pháp còn hạn chế.

          Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành ở địa phương; sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của lãnh đạo và cán bộ, công chức trong Ngành, những năm qua và nhất là năm 2006, công tác tư pháp ở Lai Châu và Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả ở phương diện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và quản lý, xây dựng Ngành.

Mặc dù lượng cán bộ chuyên môn có hạn nhưng năm qua, hai Sở Tư pháp đã phấn đấu thẩm định 100% các văn bản quy phạm pháp luật  do các sở, ban, ngành ở địa phương soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành, bảo đảm tiến độ và chất lượng thẩm định. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hai Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL năm 2006; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32/2003/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, các đề án của Chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật ban hành theo Nghị định số 212/2004/NĐ-CP của Chính phủ; nội dung PBGDPL đã bám sát yêu cầu, đúng đối tượng, hình thức tuyên truyền phong phú; công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với các cấp, các ngành ở địa phương để phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng. Kết quả thi hành án dân sự đạt khá cao. Hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được tăng cường. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo hai Sở có nhiều đổi mới; thực hiện tốt quy chế dân chủ; tăng cường kỷ cương hành chính và kỷ luật công vụ. Phong trào thi đua được các đơn vị và cán bộ, công chức trong Ngành tích cực hưởng ứng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong các mặt công tác... Trong quá trình làm việc với Bộ trưởng cùng Đoàn công tác, các đồng chí lãnh đạo hai địa phương đều đánh giá cao vai trò và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ quan Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Phát biểu tại các buổi làm việc với Sở Tư pháp và lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức các cơ quan Tư pháp hai tỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt là Lai Châu, mặc dù thiếu cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu thốn nhưng nhiều mặt công tác năm 2006 đã đạt vượt chỉ tiêu của Bộ đề ra. Chẳng hạn như công tác thi hành án dân sự: tỷ lệ trong toàn tỉnh về số việc giải quyết xong / số có điều kiện thi hành đạt 84%; số tiền đã thu/số có điều kiện thu đạt 95%..v.v.

Bộ trưởng lưu ý, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2007, đưa công tác tư pháp tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, ngành Tư pháp nói chung, các cơ quan Tư pháp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai nói riêng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trên cơ sở Chỉ thị số 01 của Bộ trưởng Bộ tư pháp về các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007 và tình hình chính trị, kinh tế - xã hội địa phương, các cơ quan Tư pháp cần lựa chọn những lĩnh vực đột phá, trong đó chú trọng đến các công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho đồng bào; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tư pháp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Lai Châu và Lào Cai là những tỉnh còn nghèo, vì thế cần phải có cơ chế ưu đãi và thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi phải tuân thủ đúng các quy định của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên; tránh tình trạng vì muốn thu hút đầu tư nên có quy định ưu đãi trái pháp luật như đã xảy ra ở một số tỉnh. Để làm được điều này, đòi hỏi cơ quan Tư pháp các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng, kiểm tra văn bản phải nỗ lực rất lớn để khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu và “gác cổng” đáng tin cậy của lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc ban hành chính sách, pháp luật, góp phần tạo nên môi trường khuyến khích đầu tư lành mạnh, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan Tư pháp cần chủ động tìm ra nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu và tâm lý của đồng bào, nhất là ở địa phương như Lai Châu có tới 20 dân tộc anh em sinh sống. Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác này là phải chủ động phối hợp hơn nữa với các ban, ngành ở địa phương, đặc biệt là các Ban chỉ đạo như Ban Chỉ đạo an toàn giao thông... để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điều này không những nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền mà còn tranh thủ được sự hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác này.

Các cơ quan Tư pháp hai tỉnh cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, với tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, làm cho các hoạt động này thật sự thân thiện với người dân; kiên quyết chống các biểu hiện tham nhũng, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo, chính quyền hai tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác tư pháp, nhất là xem xét, bổ sung kinh phí cho các công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; xem xét, cấp đất xây dựng trụ sở cho một số đơn vị trực thuộc các Sở Tư pháp như Trung tâm bán đấu giá tài sản, Phòng công chứng...

Về phần mình, sau khi nghe đề xuất của lãnh đạo các tỉnh và kiến nghị của Giám đốc các Sở Tư pháp, cũng như qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ tư pháp cơ sở, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và khả năng của mình sẽ tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan Tư pháp Lai Châu và Lào Cai. Trước mắt cần triển khai có hiệu quả dự án "Tăng cường năng lực đăng ký khai sinh trẻ em vùng miền núi-Tài khoá 2006" tại Lai Châu. Đối với kiến nghị của các Sở Tư pháp về việc đơn giản hoá thủ tục tuyển dụng công chức thi hành án, tạo điều kiện để địa phương tuyển dụng được kịp thời, góp phần khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thi hành án như hiện nay, Bộ trưởng đồng ý sẽ sớm chỉ đạo việc này theo hướng phân cấp, trao quyền chủ động trong việc tuyển dụng công chức thi hành án dân sự cho các địa phương nhằm rút ngắn thời gian tuyển dụng; Bộ Tư pháp chỉ kiểm tra kết quả tuyển dụng của Hội đồng tuyển dụng ở địa phương vào dịp kiểm tra công tác thi hành án dân sự hàng năm. Đối với các kiến nghị khác, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

 

(L.T.H)