Thư của đồng chí Hà Hùng Cường Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự nhân dịp công bố Quyết định Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự

26/12/2013
Thư của đồng chí Hà Hùng Cường Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự nhân dịp công bố Quyết định Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự

Hà Nội, ngày 25  tháng 12 năm 2013

Các đồng chí cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự thân mến,

Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là "Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự" nhằm ghi nhận truyền thống công tác Thi hành án dân sự ở nước ta đã được đúc kết trong suốt quá trình 67 năm xây dựng và trưởng thành. Nhân dịp công bố Quyết định về Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi thân ái gửi tới các đồng chí cán bộ lão thành và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đã và đang công tác trong các cơ quan Thi hành án dân sự, các tổ chức Thừa phát lại trong cả nước lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Các đồng chí thân mến!

Từ các tổ chức Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã được giao thi hành các mệnh lệnh và bản án của Tòa án theo Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 đến hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự chuyên trách ở 3 cấp theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội, sau những biến động, thăng trầm ở các giai đoạn lịch sử, công tác thi hành án dân sự ở nước ta đã không ngừng vươn lên, ngày càng khẳng định vai trò là hoạt động đặc biệt của chính quyền nhân dân, với sứ mệnh góp phần bảo đảm thực thi một nguyên tắc hiến định là: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

67 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của Chính phủ và sự phối hợp chỉ đạo có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động làm công tác thi hành án dân sự, Ngành Tư pháp nói chung, các cơ quan Thi hành án dân sự, tổ chức Thừa phát lại nói riêng, đã đạt được những thành tích quan trọng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc trước đây, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. Đặc biệt, trong hai thập niên qua, công tác Thi hành án dân sự đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện trên tất cả các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự, từ xây dựng thể chế, tổ chức cán bộ, hướng dẫn nghiệp vụ đến tổ chức thi hành án, xã hội hóa một bước công tác thi hành án dân sự tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao kết quả, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Nhờ đó, số lượng việc, tiền thi hành án dân sự được tổ chức thi hành xong năm sau luôn cao hơn năm trước; tỷ lệ số việc, tiền tồn đọng so với số phải thi hành giảm đều hàng năm. Thông qua hoạt động thi hành án dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và công dân ngày càng được bảo vệ, phần lớn các quan hệ xã hội bị xâm hại bởi các hành vi vi phạm pháp luật được khôi phục, góp phần vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Kết quả của hoạt động thi hành án dân sự còn góp phần mỗi năm khơi thông dòng chảy cho hàng chục ngàn tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần một nghìn tỷ đồng, qua đó cũng góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, tài chính, hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đồng chí thân mến!

Hiến pháp sửa đổi mới được Quốc hội thông qua với ba trụ cột chính là: tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đã tạo ra tiền đề pháp lý rất quan trọng và cũng đặt ra những đòi hỏi mới về chất đối với công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp, trong đó có đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của công tác Thi hành án dân sự. Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công bố Ngày truyền thống Thi hành án dân sự là dịp quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động làm công tác thi hành án dân sự trong cả nước ôn lại truyền thống để kế thừa và phát huy; động viên khích lệ mỗi người, mỗi tổ chức nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức nghề nghiệp; đoàn kết, hợp tác trong công việc; nhận thức đầy đủ cơ hội mới và thách thức, đề ra những giải pháp mới, sáng tạo sớm khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm vươn lên hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao trong năm 2014 và những năm tiếp theo; xây dựng và hoàn thiện các cơ quan Thi hành án dân sự, các tổ chức Thừa phát lại chuyên trách, chuyên nghiệp, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

 Chào thân ái và quyết thắng!

Hà Hùng Cường