Ngày 10/5/2012, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP). Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/6/2012.
Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, toàn diện và đánh dấu một bước phát triển mới trong việc thiết lập mối quan hệ phối hợp, thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan có liên quan trong quân đội, cơ quan thi hành án dân sự trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và phục vụ công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cung cấp, tiếp nhận, phối hợp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngay từ thời điểm văn bản có hiệu lực.
Riêng đối với các Sở Tư pháp, bên cạnh công tác tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp nêu trên, cần chú ý triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức gặp gỡ, liên hệ, trao đổi về những nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch với các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp, tra cứu, xác minh, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp để bảo đảm sự phối hợp kịp thời, hiệu quả.
2. Chủ động, phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc đề nghị cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
3. Đối với những địa phương đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát và có sự sửa đổi, bổ sung Quy chế trong trường hợp cần thiết, bảo đảm tính thống nhất với những quy định của Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.
Đối với những địa phương chưa ban hành Quy chế hoặc đang trong quá trình xây dựng Quy chế phối hợp, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, khuyến khích Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng quy chế phối hợp, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.
4. Quán triệt nhận thức trong đơn vị về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xây dựng cơ sở dữ liệu bằng văn bản giấy và cơ sở dữ liệu điện tử của địa phương và của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong việc quản lý lý lịch tư pháp; tập trung chỉ đạo, điều hành bảo đảm để công việc này được thực hiện thường xuyên, liên tục với hiệu quả cao.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) trước ngày 30/7/2012 để tổng hợp, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.