Công văn Thanh tra Bộ gửi Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Nam Định

08/05/2012
Phúc đáp Công văn số 15/BC-TTr-TP  ngày 25/4/2012 của Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Nam Định xin ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2012 của Sở Tư pháp tỉnh Nam Định đối với một số tổ chức hành nghề luật sư, Thanh tra Bộ có ý kiến như sau:

Về hoạt động thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Tư pháp được quy định như sau:

Điều 23 Luật Thanh tra năm 2010 quy định:Thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”.

Tại Khoản 3, Điều 24, Luật Thanh tra năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở về thanh tra chuyên ngành như sau: Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở”.

Tại Điều 14 Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên  ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành đã quy định rõ Chánh Thanh tra Sở có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch.

Về mặt quản lý nhà nước, Điều 8 Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương, trong đó có Sở Tư pháp và Sở tư pháp được quy định chức năng như sau:

“Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; luật sư; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hoà giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.

Điều 83 Luật Luật sư năm 2006 quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh về luật sư và hành nghề luật sư như sau: “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

…d) Kiểm tra, thanh tra, xử l‎ý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư…”

Theo đó, Điều 25 Nghị định 28/2007/NĐ-CP ngày 26/2/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư như sau:

“1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 83 của Luật Luật sư.

 2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

….h) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền hoặc theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền...”

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, Thanh tra Sở Tư pháp là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Vì vậy Thanh tra Sở Tư pháp có nhiệm vụ quyền hạn thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động của Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư.

Trên thực tế, hiện nay thanh tra các Sở Tư pháp trên toàn quốc đang căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên để tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư và các lĩnh vực khác thuộc chức năng quản lý của UBND cấp tỉnh nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Thanh tra Bộ đề nghị Thanh tra Sở tiến hành thanh tra chuyên ngành về tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn của tỉnh theo như kế hoạch và khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính thì căn cứ vào Điều 23 đến Điều 26 của Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp để tiến hành xử phạt.