Đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị Quyết 42 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu hay còn gọi là Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017.  Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn, sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng mà ước tính lên đến 600 nghìn tỷ đồng. Vậy Nghị Quyết 42 có những điểm mới như thế nào so với những quy định trước đây trong vấn đề giải quyết nợ xấu? Theo Nghị quyết 42, hàng loạt các cơ chế sẽ được áp dụng cho ngân hàng, tổ chức tín dụng bao gồm quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện được theo đúng tinh thần của nghị quyết, chắc chắn các khoản nợ xấu hiện nay sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thực thi trong thực tế đang có nhiều vướng mắc. Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, quy mô nợ xấu trong nền kinh tế hiện nay vào khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ít nhất 70% là có tài sản đảm bảo. Và trong số tài sản đảm bảo thì bất động sản và tài sản trên đất bao gồm các dự án nhà hình thành trong tương lai chiếm trên 60%. Và với những quy định về sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài hiện nay liệu có thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu ở nước ta? Để có câu trả lời, mời các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn của chương trình Kinh doanh và Pháp luật với PGS TS Nguyễn Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân,  Luật sư Nguyễn Thế Truyền, GĐ CTY Luật hợp danh Thiên Thanh và Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế.
Phóng viên hỏi: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương,  Ông có đánh giá như thế nào về tác động của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng hiện nay?
Trả lời:  Nghị quyết 42 tạo ra các biện pháp gọi là áp dụng các biện pháp mạnh để giải quyết, xử lý nhanh nhất cục máu đông nợ xấu của Ngân hàng. Và không chỉ ngân hàng lo về nợ xấu, mà giải quyết khơi thông được dòng chảy tài chính của nền kinh tế và sẽ giúp cho giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Vì vậy mà nó không chỉ tác động đến ngân hàng mà tác động đến cả nền kinh tế.
Phóng viên hỏi: Cũng theo nghị quyết, giá mua - bán các tài sản đảm bảo sẽ theo giá thị trường. Tuy nhiên trên thực tế thì giữa giá trị sổ sách và giá thị trường luôn có sự chênh lệch nhất định. Vậy Ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả của nghị quyết này?
Trả lời: Chính nghị quyết này mở ra một lối thoát trong việc trước nay khi xử lý nợ xấu, đó là khi bán tài sản bảo đảm mà thấp hơn giá sổ sách thì người bán tài sản đó rất lo ngại, bởi rất có thể người đó sẽ bị quy vào tội đã làm thất thoát một khoản tiền, một khoản nguồn lực ko thu hồi được do bán tài sản bảo đảm đó. Nhưng nghị quyết này mở rộng ra, cho phép nhiều người mua, nhiều người bán, và giá đấy được định bằng giá thị trường, giá trị thực của tài sản đó. Vì vậy mà tài sản đấy có thể bán cao hơn giá trị sổ sách nếu đúng tài sản được thị trường đánh giá cao hơn, và cũng có thể bán thấp hơn giá trị sổ sách bởi khi thế chấp tài sản được đánh giá cao, nhưng thời điểm đem bán, giá trị đó không còn. Vì vậy việc này đã sử dụng quan hệ thị trường vào , sẽ giải quyết được các vướng mắc trước đây mà chúng ta gọi là cái khó, hay rào cản cho quá trình xử lý nợ xấu.
Phóng viên hỏi: Nợ xấu luôn phát sinh trong hoạt động tín dụng của các NHTM tùy vào thời điểm, trong khi đó Nghị quyết lại chỉ xử lý các khoản nợ xấu tính đến ngày 15/8 . Vậy, thì theo Ông các khoản nợ xấu mới phát sinh sẽ phải xử lý như thế nào?
Trả lời:  Nghị quyết 42 sử dụng biện pháp mạnh trao quyền lớn hơn cho ngân hàng, và chúng ta bỏ qua những thủ tục tố tụng thông thường theo quy định của Luật tố tụng. Chính quy định đó, khi ta sử dụng tức là dùng một biện pháp tạm thời để xử lý tình huống đã xảy ra trong quá khứ. Chứ chúng ta không mong muốn áp dụng cái tạm thời hay nghị quyết thí điểm này cho quá trình lâu dài. CHính vì vậy người ta giới hạn khoản nợ lại phát sinh trước 15/8 để tránh tình trạng, các tổ chức tín dụng có thanh bảo kiếm trong tay, có một công cụ mạnh trong tay, bây giờ chúng ta lại đẩy mạnh cho vay và không rà soát kỹ tài sản bảo đảm, điều này có nguy cơ làm cho chất lượng tín dụng trong tương lai không đảm bảo. Chính vì vậy tôi cho rằng, việc giới hạn thời điểm 15/8 là biện pháp cẩn trọng, vừa giải quyết được tồn đọng khó khăn trong ngân hàng, trong lịch sử, đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo theo đúng nguyên tắc đã quy định từ trước.
Phóng viên hỏi: Thưa Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Ông có đánh giá như thế nào về những khó khăn khi thực thi Nghị Quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu?
Trả lời:  Nghị Quyết 42 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu. Tôi cho rằng với 5 năm đối với một Nghị Quyết và nhiều quy định mang tính mở như vậy sẽ đặt ra rất nhiều hệ lụy cho việc thực thi nó. Ngay việc bây giờ chúng ta đều thấy, đó là ngay khi anh thu giữ tài sản bảo đảm về, thì việc các tổ chức tín dụng đó có đủ năng lực để bảo vệ hoặc bảo đảm cho các tài sản đảm bảo đó giữ nguyên được giá trị, thậm chí là làm phát huy được giá trị đó hay không đã là một câu chuyện. Câu chuyện thứ 2, là một tài sản đảm bảo đó được thế chấp, cầm cố thì có một giá trị khác, nhưng tại thời gian anh thu giữ thì giá trị nó tăng hay giảm, rất khó có cơ sở để xác định, bởi anh đơn thuần chỉ là một tổ chức tín dụng. Và quan trọng hơn, chu trình để thực thiện quá trình bán đấu giá tài sản này thì hiện tại luật đã có hết, nhưng trên thực tế để thực thi thì tôi nghĩ còn rất nhiều vướng mắc. Ở đây đầu tiên phải nói đến câu chuyện thẩm định giá, giá trị tài sản hay quyền và lợi ích của các bên thứ 3 giữa các tổ chức tín dụng và bên chủ đầu tư, bên có tài sản bảo đảm. Bởi vì bản thân các tài sản bảo đảm này sẽ liên quan đến bên thứ 3 có phát sinh giao dịch hợp đồng, thậm chí chỉ là nơi ăn chốn ở của người ta thôi thì cũng đã khó rồi. Và với viêc nghị quyết đã ra mà chưa kịp có các văn bản hướng dẫn để các tổ chức tín dụng thực hiện thì tôi cho rằng, trong quá trình sẽ khó thực hiện, bó tay các tổ chức, thậm chí nếu có thu giữ được tài sản bảo đảm về rồi, cũng sẽ không biết cách phải xử lý ra làm sao, nếu chúng ta không giải quyết được câu chuyện, thẩm định giá, đấu giá và quan trọng hơn là không giải quyết được quyền lợi của bên thứ 3. Và nếu giải quyết được, thì rõ ràng nợ xấu mà chúng ta đang giải quyết đấy, rất dễ phát sinh thêm nhiều vấn đề xã hội khác mà có thể hậu quả không thể lường trước được. Vì vậy mà tôi nghĩ Nghị Quyết 42 sớm được các cơ quan ban ngành cho ra được các hướng dẫn cụ thể để làm sao phù hợp với thực tế, và quan trọng hơn là giúp Chính Phủ thu hồi các khoản nợ xấu.
Phóng viên hỏi: Như vậy là sau hơn 2 tháng có hiệu lực, nhưng Nghị Quyết 42 vẫn chưa được các ban ngành ra những hướng dẫn cụ thể để thực thi đúng không thưa ông?
Trả lời: Khi nghị quyết 42 ra đời đã thể hiện quyết tâm của CHính phủ trong việc xử lý nợ xấu , thì tôi tin trong thời gian tới đây sẽ có các văn bản hướng dẫn. Nhưng tôi lại lo lắng hơn về câu chuyện nội hàm của nó, bản thân nó có các xung đột mà rất khó để một bộ, một ban ngành nào đó có thể giải quyết được. Vì bất kể bộ ban ngành nào, hay cơ quan lập pháp cũng không thể đi ngược với Luật hay Hiến pháp, mà trong khi đó có rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang đặt ở đây một cơ chế đặc thù để xử lý khối nợ xấu này.
Phóng viên hỏi: Vâng thưa Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, trước đây chỉ có Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC được tham gia mua bán nợ xấu, nhưng với Nghị quyết 42 sẽ có nhiều thành phần kinh tế được tham gia quá trình mua bán này. Theo đánh giá của ông việc này sẽ tác động như thê nào đến thị trường mua bán nợ trong thời gian tới?
Trả lời: Thứ nhất chúng ta xác lập quyền thu giữ, vì nếu không thu giữ thì không xử lý được, mà trong khi đó ở nước ngoài thì đó là thông lệ rất bình thường. Đây là cái mà tôi cho rằng chúng ta xử lý được. Mà hơn nữa cái này rất quan trọng trên khía cạnh, tức là trước đây hầu hết các quy định pháp lý của chúng ta, kể cả quy định pháp lý trong lĩnh vực kinh tế, tài chính tiền tệ, và quy định về dân sự thì hầu hết chúng ta đứng về phía những người đi vay mà không đứng về phía người cho vay, mà cụ thể ở đây là các tổ chức tín dụng, của các NHTM. Do đó khi chúng ta xác lập quyền thu giữ của tổ chức tín dụng thì có thể nói chúng ta đã thực hiện một nguyên tắc bình đẳng về quyền trách nhiệm người cho vay là các tổ chức tín dụng hay NHTM và người đi vay là khách hàng của họ. Thì tôi cho rằng đây là điểm quan trọng. Điểm thứ 2 đó là thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để đảm bảo được quyền thu giữ, để đảm bảo thực hiện đúng, tốt thủ tục rút gọn, thì lại phụ thuộc rất nhiều, thứ nhất chúng ta cần có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, sự vào cuộc của tất cả các bên có liên quan, đồng thời chúng ta có một đội ngũ nhân sự để thực hiện quyền thu giữ tài sản, thực hiện việc thủ tục rút gọn này vẫn đảm bảo yêu cầu pháp lý , nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu của Nghị Quyết 42 mà Quốc hội đã đặt ra.
Phóng viên hỏi: Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng mua bán nợ như hiện nay như thế vẫn chưa đủ, cần thiết lập thị trường mua bán nợ và tiến tới là cho phép bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm của  ông về vấn đề này như thế nào thưa tiến sĩ Vũ ĐÌnh Ánh?
Trả lời: Riêng đối với nợ xấu sự tham gia của các Nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn vướng một số điêm mà tôi cho rằng nổi bật nhất ở Nghị quyết 42 lần này chúng ta vẫn chưa xử lý được, đó là vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp. Tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp của chúng ta ngoài một số mặt hàng khác thì chủ yếu là liên quan đến bất động sản, bao gồm đất đai và bất động sản trên đất, mà trong khi đó đối với tài sản đất đai và BĐS trên đất, thì đối với người nước ngoài vẫn còn một số hạn chế nhất định, liên quan khá nhiều đến các quy định pháp lý, thì nó làm khó chúng ta trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào giải quyết nợ xấu.
Phóng viên hỏi: Hiện nay nợ xấu ước tính lên đến hơn 600 nghìn tỷ đồng, vậy theo tiến sĩ cần có giải pháp gì để nghị quyết xử lý nợ xấu đạt được đúng theo kỳ vọng của Quốc hội?
Trả lời:  Đây là Nghị quyết của Quốc hội nên cần có sự giám sát của Quốc hội, với vai trò giám sát tối cao, thực hiện nghị quyết của mình thực hiện giải quyết nợ xấu, và theo đó ở các địa phương HỘi đồng Nhân dân các cấp, cũng phải có trách nhiệm giám sát việc xử lý nợ xấu trên địa bàn của mình. Do đó tôi mạnh dạn đề xuất, nên xem chúng ta có một thể chế, một ban xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42, và Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của ban chỉ đạo này, để làm sao chúng ta phối hợp được các Bộ ban ngành. Đồng thời với nó, và quan trọng nhất hiệu quả của ban chỉ đạo là tháo gỡ ngay lập tức kịp thời, tất cả vướng mắc trong quá trình thực hiện các nội dung Nghị quyết 42. Như vậy nghị quyết 42 thực hiện sẽ hiệu quả hơn.
Phóng viên hỏi: Vâng thưa PGS, TS Nguyễn Văn Cường, Từ nhiều năm nay vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó, quyền thu giữ tài sản đảm bảo và áp dụng các thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp được các ngân hàng đánh giá là then chốt để giải quyết khối nợ xấu. Tuy nhiên khi thực hiện trong thực tế sẽ có những vướng mắc như thế nào thưa Ông?
Trả lời: Một tài sản muốn đem ra đấu giá và mọi người đánh giá đúng giá trị của nó thì người ta phải đảm bảo là giá trị cao nhất, giá trị đánh giá đầy đủ nhất. Khi chúng ta thực hiện thủ tục rút gọn, thì còn liên quan đến Tòa Án, tức là người vay nợ phải giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng, để mang ra đấu giá, nhưng thi hành án liệu đã thực hiện được chưa? Quá trình thi hành án đấy đã thu được toàn bộ giấy tờ, hồ sơ của tài sản đó cho ngân hàng chưa? Bởi vì có thể giá trị tài sản lớn hơn giá trị tiền vay, và khi đấu giá sẽ không dễ dàng. Chính vì vậy mặc dù chúng ta nói đây là biện pháp mạnh nhưng rất cần có sự hỗ trợ của rất nhiều cơ quan, tổ chức cũng tham gia vào thì chúng ta mới hy vọng hiệu quả thực sự của Nghị quyết này đạt được như mong đợi.
Phóng viên hỏi: Vậy với hoạt động tái cơ cấu  các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 này liệu có giúp ích gì cho quá trình tái cơ cấu diễn ra suôn sẻ hơn không thưa ông?
Trả lời: Trong đề án tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng cũng đã nhấn mạnh, những tổ chức nào nếu không có khả năng tồn tại mạnh dạn cho phá sản. Hoặc giải quyết nợ xấu, nếu không giải quyết được mà vướng với các bên thứ 3 khác thì buộc lòng phải thực hiện chuyển nhượng, bán lại, phải sát nhập để họ giải quyết. Ví dụ, một tổ chức tín dụng họ có khả năng, năng lực tốt, đầu tư giải quyết các vấn đề liên quan đến BĐS, còn một ngân hàng yếu, mà nợ xấu lại chủ yếu là BĐS thu hồi cũng không được, mà phá sản cũng không được. Trong trường hợp đó ngân hàng này sẽ tìm đến ngân hàng tổ chức tín dụng có khả năng đầu tư giải quyết các BĐS đó thì hợp tác với nhau. Như vậy chúng ta sẽ thấy quá trình tái cơ cấu đó, không chỉ giái quyết khó khăn cho tổ chức yếu này, mà còn mang lại nguồn lợi cho tổ chức mạnh kia. Tôi cho rằng đây là quá trình làm lành mạnh hơn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Phóng viên hỏi: Vậy theo Ông để có thể xử lý nợ xấu theo đúng tinh thần của Nghị Quyết 42 thì cần có những giải pháp như thế nào?
Trả lời: Trước hết chúng ta thấy tòa án được phép áp dụng các thủ tục rút gọn, thì đây thứ nhất phải có sự tham gia tích cực của tòa án. Thứ 2 trong nghị quyết nói công an giữ vai trò là đảm bảo trật tự trị an, nhưng trật tự trị an đến mức độ nào, khi người có tài sản cố tình chống đối không chịu bàn giao thì giữ gìn đấy đến mức độ nào, thì tôi cho rằng ngành Công an cũng phải có quy định, và hướng dẫn hỗ trợ thật đắc lực. Và thứ 3  là bản thân ngân hàng phải tích cực trong việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ mang yếu tố lịch sử của những khoản nợ xấu này. Bởi vì xảy ra có nợ xấu như vậy đều có vấn đề mà bản thân ngân hàng trước đây làm chưa tốt, có thể do hổng từ hồ sơ, làm chưa chặt chẽ. Bây giờ chúng ta còn e ngại chuyện đó, còn tự mình sẵn sàng mổ sẻ của mình ra thì những khoản nợ xấu đó vẫn cứ lòng vòng, nên tôi cho rằng tất cả các bên cần có sự tham gia quyết liệt thì chúng ta mới có hiệu quả như mong muốn.

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác