Hoạt động đấu giá tài sản ở Việt Nam và giải pháp quản lý các đơn vị, tổ chức đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016

Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường và là hình thức bán tài sản công khai, minh bạch, hiệu quả. Ngày 17/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật đấu giá tài sản, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản.Vậy, so với các hình thức bán tài sản khác, bán tài sản bằng hình thức đấu giá có những ưu việt gì? Và thị trường đấu giá tài sản hiện nay như thế nào? Ở Việt Nam hiện nay, hình thức bán đấu giá tài sản ngày càng nhận được sự quan tâm của công chúng, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhà đầu tư e ngại, chưa lựa chọn hình thức mua bán tài sản này, mặc dù Luật đấu giá tài sản có hiệu lực đã có những quy định bảo vệ quyền và lợi ích tốt hơn cho cả người có tài sản và người mua tài sản. Theo Luật bán đấu giá tài sản mới ban hành, các chủ thể tham gia tổ chức đấu giá bao gồm các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND cấp tỉnh quyền định thành lập và các doanh nghiệp đấu giá tài sản là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Điều này đảm bảo trách nhiệm cao nhất đối với hoạt động đấu giá cũng như tính bền vững dựa trên trách nhiệm vô hạn. Trước các yêu cầu mới của Luật, các trung tâm đấu giá tài sản phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt Luật đấu giá tài sản lần này có phạm vi điều chính rộng hơn, bổ sung các loại hình tài sản mới như quyền khai thác, kho số, nợ xấu, … cùng các phương thức đấu trực tuyến, gián tiếp,  kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động đấu giá, nâng cao chất lượng đấu giá, tạo sự minh bạch, tin tưởng và tránh thất thu ngân sách quốc gia. Vậy phương thức đấu giá trực tuyến có những ưu việt gì so với các phương thức đấu giá đã thực thi tại nước ta? Để trả lời các câu hỏi nêu trên, cac bạn cần theo dõi cuộc trao đổi giữa phóng viên với Bà Nguyễn Thị Mai,Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư Pháp, Luật sư Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội Đấu giá viên thành phố Hà Nội.Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh.
Phóng viên hỏi: Vâng thưa Bà Nguyễn Thị Mai, Bà có đánh giá như thế nào về hoạt động đấu giá tài sản ở nước ta trong thời gian vừa qua?
Trả lời: Với số lượng doanh nghiệp đấu giá tài sản hơn 300DN, 62 trung tâm đấu giá tài sản trực thuộc các Tỉnh, Tp trực thuộc TW và hàng 1000 đấu giá viên đã cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, số cuộc đấu giá thành và số tiền thu được từ đấu giá tài sản đã tăng lên rất nhanh, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của đấu giá tài sản. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có thể thấy rằng, tình trạng quân xanh, quân đỏ, rồi quy mô và chất lượng của các doanh nghiệp đấu giá tài sản còn nhiều hạn chế. Tính chuyên nghiệp và chất lượng của đấu giá viên còn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì khi mà thị trường đấu giá tài sản tự nguyện của các tổ chức cá nhân đấu giá tài sản thương mại chưa phát triển như các nước phát triển trên thế giới, thì chưa thể coi là thị trường đấu giá hoàn chỉnh và phát triển theo đúng định hướng thị trường.
Phóng viên hỏi:  Bà vừa đề cập đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", hoặc thông đồng, hay dìm giá, đây cũng chính là vấn đề lo lắng của các nhà đầu tư. Vậy theo Bà Mai các cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời: Thứ nhất là cấm đối với việc quân xanh quân đỏ, thứ 2 là đưa trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của người có tài sản, tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá và của đấu giá viên. Ngoài ra còn có những quy định rất chặt chẽ về mặt thủ tục, như nâng tiền đặt trước từ 1-15% lên thành từ 5-25%, rồi có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với đấu giá viên có quyền truất quyền thi đấu của những người tham gia cố tình gây ảnh hưởng đến cuộc đấu giá. Ngoài quy định xử phạt theo quy định xử phạt hành chính theo quy định hiện nay, thì chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đưa vào bộ Luật hình sự mới vừa được  Quốc hội thông qua, đó là điều 218 trong đó quy định xử phạm hành vi vi phạm bị coi là tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản. Như vậy chúng tôi hy vọng với khuôn khổ pháp lý đầy đủ, về trình tự thủ tục của Luật đấu giá tài sản, và khung pháp lý đồng bộ trong chế tài áp dụng đối với vi phạm về hành chính cũng như hình sự thì tình trạng quân xanh , quân đỏ sẽ được hạn chế rất nhiều.
Phóng viên hỏi:  Một trong những vấn đề nhà đầu tư quan tâm là việc mua bán tài sản qua hình thức đấu giá được nhà nước bảo hộ như thế nào. Vậy Bà có thể cho biết, theo Luật đấu giá tài sản thì người mua được tài sản qua hình thức đấu giá tài sản được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như thế nào?
Trả lời: Thứ nhất, các cơ quan tổ chức trong quyền hạn của mình, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ích của người mua được tài sản đấu giá ngay tình. Thứ 2 là khi có tranh chấp, nhất là tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bán đấu giá thì người mua được tài sản bán đấu giá đó vẫn được sở hữu tài sản đó mà không phụ thuộc vào tranh chấp khiếu nại đó. Thứ 3 tất cả các tranh chấp về quyền sở hữu, về hủy kết quả đấu giá sẽ được thực hiện theo cơ chế rút gọn theo Luật Tố tụng dân sự thì điều này, 1 là sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của người mua được tài sản đấu giá ngay tình và đồng thời tránh được tình trạng khiếu kiện khiếu nại kéo dài làm cho người ta rất ngại khi phải mua  các tài sản đặc biệt là tài sản trong quá trình thi hành án hay tài sản giao dịch bảo đảm.
Phóng viên hỏi: Vâng thưa Luật sư Quản Văn Minh, theo Ông thì đâu là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư chưa muốn lựa chọn hình thức mua bán thông qua đấu giá này?
Trả lời: Để tổ chức đấu giá không chỉ có Luật đấu giá không mà còn phải có pháp luật chuyên ngành. Pháp luật chuyên ngành để giải quyết là một khó khăn. Ví dụ như đấu giá về cổ vật, đá quý, thì có quy định riêng về cổ vật đá quý. Như việc tham gia đấu giá 1 cổ vật phải có sự đồng ý của Chủ tịch Tỉnh, Tp nhất định. Chính vì thế khi những người tham gia đấu giá nhiều nhà đầu tư còn e ngại tham gia về vấn đề thủ tục. Vấn đề thứ 2 là để tổ chức đấu giá thì phải có tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Hiện thời tổ chức đấu giá chuyên nghiệp chúng ta đã có nhưng trình độ của doanh nghiệp, của đấu giá viên và quy trình đấu giá như thế nào cũng là câu chuyện cần phải bàn để có thể đưa vào tính công khai minh bạch và phải đạt được kết quả nhất định trong quá trình tổ chức đấu giá.
Phóng viên hỏi: Luật Đấu giá tài sản được thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực từ 1/7/2017. Vậy theo luật sư Luật Đấu giá tài sản 2016 đi vào thực hiện sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động đấu giá tài sản, thưa Ông?
Trả lời: Trước khi có Luật đấu giá, doanh nghiệp hoạt động theo giấy phép do Sở kế hoạch đầu tư cấp, sau khi có Luật thì trong thời gian chuyển đổi thì doanh nghiệp chuyển sang hoạt động với giấy phép do Sở Tư pháp cấp.Vì vậy mà mô hình doanh nghiệp khác đi tức là phải là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, và người đứng đầu các DN phải là đấu giá viên, và khi tổ chức thì đấu giá viên phải điều hành tổ chức đấu giá. Trong Luật đã quy định rất rõ trình tự thủ tục và cách thực hiện đấu giá đều rất rõ ràng.Luật đấu giá đã tác động rất lớn đến công tác đấu giá mà chúng tôi đang thực thi.
Phóng viên hỏi: Hiện nay có nêu rất nhiều cuộc bán đấu giá theo các hình thức khác nhau.Vậy xin được hỏi Luật sư Minh, cơ sở pháp lý nào để có thể phân biệt đấu giá theo đúng thủ tục của Luật đấu giá tài sản?
Trả lời: Điều đầu tiên, khách hàng phải nhận biết ra tổ chức đấy phải do đấu giá viên là người đứng lên tổ chức. Điều thứ 2 trong biên bản kết thúc phiên đấu giá phải có chữ ký của khách hàng và chữ ký của đấu giá viên. Thứ 3 khi tổ chức phiên đấu giá thì ngoài việc phải tuân theo pháp luật đấu giá phải tuân theo pháp luật chuyên ngành. Ngoài ra việc tổ chức việc đấu giá đấy thì ngoài đấu giá viên còn có thư ký giúp việc, thư ký biên bản, tức là có tính vài bản theo đúng quy trình thủ tục quy định theo Luật đấu giá ban hành.
Phóng viên hỏi: Vậy Theo Ông, Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng của cuộc đấu giá, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đáp ứng yêu cầu hội nhập?
Trả lời: Điều đầu tiên đó là câu chuyện hành lang pháp lý. Đối với Luật đấu giá tương đối đầy đủ, nhưng ngay khi Luật đấu giá ra đời có ban hành kèm theo Quyết định 410 của TTCP, yêu cầu xem xét rà soát các pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đấu giá để đáp ứng một cách đầy đủ. Ngoài rà soát pháp luật ra còn có vấn đề nhân sự , tổ chức. Muốn tổ chức một phiên đấu giá tốt ngoài đấu giá viên ra chúng tôi phải có một tổ truyền thông, để làm sao chúng ta đạt được doanh thu lớn. Trong thực tế chúng tôi bán vượt 50 tỷ thì cũng được 300 triệu tiền thưởng cộng với tiền công của mình và nếu vượt 150 tỷ cũng thế thôi. Vì thê câu chuyện hài hòa vè lợi ích chưa đạt được thì tôi nghĩ sẽ còn nhiều vấn đề khác cần phải xử lý.
Phóng viên hỏi: Vâng thưa Ông Nguyễn Thế Truyền, Luật đấu giá tài sản năm 2016 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 có những ưu việt gì so với những quy định trước đây?
Trả lời: Ngay khi Luật đấu giá có hiệu lực đã mang lại một luồng gió mới cho câu chuyện đấu giá của chúng ta bao năm nay. Nếu trước đây câu chuyện đấu giá chúng ta còn nhìn thấy đâu đó, tình trạng quân xanh, quân đỏ thì dường như trong Luật đấu giá lần này đã hạn chế dược tình trạng này rất nhiều. Bởi trong Luật đấu giá, họ tách ra các quy trình thủ tục khác nhau, trước đấu giá và sau đấu giá rất dành mạch. Và quan trọng hơn trong Luật đấu giá lần này họ đưa ra nhiều thủ tục làm giảm gánh nặng cho các tổ chức đấu giá, hay giúp cho các tổ chức đấu giá chủ động hơn. Và một điểm nữa tôi cho là hay trong Luật đấu giá lần này là thêm một hình thức đấu giá đã phát triển từ rất lâu trên thế giới đó là đấu giá trực tuyến. Đây tôi cho là bước phù hợp với thực tế giúp cho tổ chức làm đấu giá họ sẽ chủ động hơn. Nhưng quan trong hơn là giúp cho những nhà đầu tư, những người tham gia đấu giá có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn. Và khi họ được tiếp cận thông tin tốt hơn thì sẽ đảm bảo tính minh bạch, khách quan , và như vậy tránh các tiêu cực trước đây chúng ta chưa hạn chế được.
Phóng viên hỏi: Như vậy, phương thức đấu giá trực tuyến mới được đưa vào Luật có nhiều tính ưu việt có thể nói là vượt trội. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai và hoạt động theo Luật đấu giá tài sản, thì đến nay phương thức này vẫn chưa được triển khai thực tế. Theo Ông là vì sao?
Trả lời: Cần phải có hướng dẫn cụ thể cho quy trình đấu giá trực tuyến. Bây giờ đang đưa ra 3 phương án. Phương án thứ 1 có một trang để các bên có tài sản đưa vào đó và tự đặt ra giá, và giúp cho các bên kết nối được với nhau, một dạng diễn đàn. Thứ 2 là có thể lập ra một trung tâm đấu giá do quản lý của Bộ tư pháp, người có tài sản đưa lên đó và cung cấp thông tin rồi ấn định ngày giờ đưa ra đấu giá. Và cái cuối cùng Thứ 3 là cả bên tổ chức đấu giá và bên Quản lý nhà nước cùng làm. Tức là các công ty đấu giá có thể lập website của mình , và ở đây họ cung cấp cho nhà đầu tư đầy đủ thông tin về sản phẩm đấu giá, và quan trọng hơn là các nhà đầu tư thông qua các website như thế này, họ nắm được nhiều thông tin về trình tự thủ tục, quy định, và biết những thông tin này một cách minh bạch, khách quan, thời gian địa điểm đấu giá đầy đủ, chính xác rõ ràng. Môi trường online không phải là tất cả, nhưng ít ra là phù hợp với xu thế.
Phóng viên hỏi: Vậy theo Ông để phương thức đấu giá trực tuyến sớm đi vào thực tiễn, cần phải có giải pháp gì?
Trả lời:  Tôi cho rằng cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đó là phải lập ra được 1 cơ sở dữ liệu về đấu giá, giúp cho câu chuyện về đấu giá nó được rõ ràng, minh bạch hơn. Khi có cơ sở dữ liệu lớn thì tự nó sẽ bật lên môt sự so sánh và khúc xạ lại cho tất cả các bên. Từ tổ chức đấu giá phải làm minh bạch hơn, các nhà đầu tư, người tham gia đấu giá được hưởng lợi nhiều hơn. Và quan trọng hơn thông qua hình thức đấu giá chúng ta sẽ thu được 1 khoản ngân sách rất lớn mà lâu nay chúng ta đang bỏ qua.
Phóng viên hỏi: Các đơn vị tham gia tổ chức đấu giá đã có nhiều cải thiện để cuộc đấu giá đạt kết quả cao, đúng pháp luật. Vậy xin được hỏi Bà Nguyễn Thị Mai, để trở thành tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thì doanh nghiệp đấu giá tài sản cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Trả lời:  Thứ nhất doanh nghiệp này phải là công ty tư nhân hoặc hợp danh là loại Cty thuộc trách nhiệm vô hạn. Thứ 2 các doanh nghiệp này Tổng Giám đốc, hoặc Giám đốc, thành viên hợp danh phải là các đấu giá viên. Thứ 3 đối với các cơ sở đấu giá tài sản phải có cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng hoạt động đấu giá tài sản. Ngoài ra chúng ta cũng thiết kế trong Luật đấu giá tài sản cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của cá nhân tổ chức tham gia đấu giá và các nhà đầu tư. Theo đó, đấu giá viên phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động của mình và tổ chức đấu giá có nghĩa vụ mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các đấu giá viên của mình. Đặcbiệt để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản thì trong Luật đấu giá tài sản cũng đã có những quy định mới, tức là thay vì đăng ký hoạt động theo Luật doanh nghiệp trước đây tại Sở kế hoạch đầu tư, thì doanh nghiệp đấu giá tài sản sẽ đăng ký tại sở Tư pháp nhằm tăng kiểm soát sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đấu giá và tăng trách nhiệm pháp lý , cũng như tính chuyên môn hóa và chuyên môn hóa của DN đấu giá tài sản.
Phóng viên hỏi: Trong một phiên đấu giá, thì vai trò của các Đấu giá viên rất quan trọng. Vậy xin được hỏi Bà Mai cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì để quản lý và nâng cao nghiệp vụ cũng như tư cách đạo đức của Đấu giá viên?
Trả lời: Trong Luật đấu giá tài sản lần này đã đặt ra  những quy định, quy trình để trở thành đấu giá viên một cách chặt chẽ, và cao hơn rất nhiều trước đây. Thứ nhất,  để trở thành đấu giá viên thì thay vì chỉ học 3 tháng tại Học việnTư pháp như trước đây thì bây giờ đấu giá viên phải học 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp tại khóa học tại Học viện tư pháp đấu giá viên phải trải qua một cuộc tập sự hành nghề 6 tháng tại các cơ sở đấu giá tài sản, và phải qua kết quả của kỳ tập sự hành nghề đấu giá thì lúc đó đấu giá viên mới được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Có thể nói với quy trình như thế này chúng tôi đã đưa nghề đấu giá viên tiện cận với các tiêu chuẩn điều kiện hành nghề của các đấu giá viên trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra còn rất nhiều quy định chặt chẽ để cấm các hành vi cấm đối với đấu giá viên, và có những quy định về quyền và nghĩa vụ rõ ràng và có chế tài đối với trường hợp đấu giá viên có vi phạm. CHúng tôi hy vọng với những quy định tổng thể những quy định theo khuôn khổ pháp luật như vậy, thì chất lượng và tính chuyên nghiệp của đấu giá viên ngày ngày một nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. 
Phóng viên hỏi: Theo Bà Mai cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để quản lý các đơn vị, tổ chức đấu giá để hình thức mua bán tài sản bằng hình thức đấu giá được thực hiện theo đúng mục đích và theo Luật đấu giá tài sản?
Trả lời: Bước thứ nhất chúng tôi cho rằng, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân cũng như ban ngành về Luật đấu giá tài sản, một luật mới lần đầu tiên có đầy đủ quy định pháp lý ở Việt Nam. Bước thứ 2 ngoài việc tuyên truyền đưa luật đấu giá này vào cuộc sống, thì việc rà soát tất cả các pháp luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động đấu giá để làm sao thống nhất , tránh tình trạng văn bản dưới ra chồng chéo với văn bản bên trên. Hoặc các quy định của Luật đã đầy đủ rồi, nhưng các Thông tư lại quy định khó hơn cho các doanh nghiệp và cho người dân. Và bước thứ 3, chúng tôi phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để đối với cá nhân làm tốt, thì chúng ta phải khuyến khích khen thưởng và có chế độ động viên. Tuy nhiên đối với cá nhân tổ chức có hành vi vi phạm thì chúng ta cũng xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật
 

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác