Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển và yêu cầu sự nỗ lực của Bộ, ngành và chính doanh nghiệp tư nhân

Đóng góp gần 50% GDP của cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bản lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa …kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Mặc dù có sự phát triển không ngừng nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực này vẫn đang phải đối diện với nhiều rào cản. Vậy những khó khăn, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân này là gì? Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với khối doanh nghiệp tư nhân cho thấy, có tới 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ phải thường xuyên chi trả các khoản chi phí không chính thức trong tiếp cận đất đai và mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. Với các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%. Bên cạnh đó, một tỷ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa cho biết gặp khó trong việc thực hiện các thủ tục hành chính... Vậy, thực trạng này nói lên điều gì? Làm thế nào để xóa bỏ những rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân? Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các DN tư nhân phát triển. Những nỗ lực này đã thực sự góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến mới trong cải cách môi trường kinh doanh. Vậy, sự nỗ lực này được hiện thực hóa như thế nào trên thực tế? Đâu là giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối diện? Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 khi nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế”. Trong đó nêu rõ, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển… Vậy, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với khối doanh nghiệp tư nhân? Trong thời gian tới, cần có giải pháp đột phá gì để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế? Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” hôm nay sẽ có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,  TS. Đào Huy Giám – Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với khối doanh nghiệp tư nhân cho thấy, có tới 62% doanh nghiệp siêu nhỏ, 68% doanh nghiệp nhỏ phải thường xuyên chi trả các khoản chi phí không chính thức trong tiếp cận đất đai và mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. Với các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%. Bên cạnh đó, một tỷ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp vừa cho biết gặp khó trong việc thực hiện các thủ tục hành chính... Vậy, thực trạng này nói lên điều gì? Làm thế nào để xóa bỏ những rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân? Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” có cuộc trao đổi với TS. Đào Huy Giám – Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên hỏi: Thưa Bà Phạm Thị Thu Hằng, mặc dù có sự phát triển không ngừng nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình bởi phải đối diện với không ít rào cản. Vậy, theo Bà, đâu là điểm nghẽn chính đang cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân? 
Trả lời: Thứ nhất, ở đây là chính sách của chúng ta chưa được hiện thực hóa, việc tạo điều kiện cho DNTN tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế. Có nhiều nguồn lực như nguồn lực về tài chính, đất đai, vốn công nghệ… thì chi phí mà DNTN bỏ ra để tiếp cận các nguồn lực này còn cao. Ví dụ, tiếp cận đất đai chẳng hạn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… chi phí cao, lâu, làm mất cơ hội kinh doanh của DN dẫn tới câu chuyện các thể chế kinh tế vĩ mô chưa tạo điều kiện cho DN giảm chi phí kinh doanh và kinh doanh hiệu quả…
Thứ hai, cạnh tranh với DN ở khu vực khác, ví dụ DNNN, DN FDI. Chúng ta thấy, hai khu vực này có thế mạnh vượt trội hơn khu vự DNTN. Các DN FDI thì có nguồn lực mạnh mẽ từ công ty mẹ ở nước ngoài, còn DNNN thì một thời gian dài, không để không gian cho DNTN hoạt động, phát triển…
Còn nhiều điểm khác về lợi thế cạnh tranh làm cho DNTN muốn lớn nhưng chưa thể lớn lên được…Kỳ vọng về Nghị quyết TW5, đặc biệt có điểm mới đó là khuyến khích hình thành các tập đoàn lớn kinh tế tư nhân… Sau khi tổng kết và đưa định hướng mới thì đây là điểm đột phá chỉ ra định hướng tái cấu trúc kinh tế của Đảng, Nhà nước và cạnh tranh được với các DN trên thế giới…vv
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Đào Huy Giám, dưới góc độ Diễn đàn kinh tế tư nhân, Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, vướng mắc, nhất là các rào cản về môi trường kinh doanh hiện nay đối với khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
Trả lời: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh. Bằng chứng là thứ hạng của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trong các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có tới 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VPSF đều khẳng định, những rào cản về quy định đang khiến doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt hại bằng cách này hay cách khác. Cụ thể như, hệ thống các quy định chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả và khiến cho khu vực tư nhân tốn kém các chi phí không chính thức, cũng như mất nhiều thời gian. Điều này dẫn tới khả năng cạnh tranh của khu vực này bị giảm sút đáng kể.
- Kết quả khảo sát của VPSF đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng cho thấy có 63% doanh nghiệp trả lời dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có 44% cho biết đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường.
- Định danh cho những rào cản pháp lý này được liệt kê bao gồm: có quá nhiều giấy phép con; hoạt động khởi nghiệp khó khăn do không xin được giấy phép vì ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục; các giấy phép chuyên ngành xuất nhập khẩu quá nhiều và phức tạp; thủ tục hành chính vướng; tiếp cận đất đai và tài chính khó; chính sách thuế và bảo hiểm chưa linh hoạt; chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều ảnh hưởng; chính sách cấp visa…
- Trước những vấn đề này, cũng có 37% doanh nghiệp cho rằng kinh doanh thuận lợi hơn trong năm 2017 so với các năm trước đó và 43% doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng về tình hình kinh tế sẽ được cải thiện nhiều hơn, đạt những kết quả tích cực hơn so với trước đây.
- Sự hạn chế về quy mô vốn là một trong những trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được nhiều cơ hội để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Sự thiếu liên thông trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp… hay tình trạng chồng chéo, nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một thực tế là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay, khó tiếp cận bảo lãnh tín dụng…
Phóng viên hỏi: Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, đúng hướng. Tuy nhiên, ngược lại, về phía khu vực kinh tế tư nhân thì sao, cũng cần phải nỗ lực như thế nào, thưa Ông?
Trả lời: Sự chủ động của tưng DNTN, của các tổ chức đại diện, Hiệp hội, tăng tính liên kết, hình thành các tập đoàn kinh tế lớn của tư nhân...;
- Như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Chính phủ đã cam kết kiến tạo thì DNTN cũng phải hành động, đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, xóa bỏ lối làm ăn cũ, thiếu chuẩn mực; phải nắm rõ, hiểu thị trường, lường trước những rủi ro, khó khăn, tham gia vào quá trình hội nhập; đồng thời, mạnh dạn hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm..
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Trần Đình Thiên, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Vậy, sự nỗ lực này được hiện thực hóa trên thực tế như thế nào, thưa Ông?
Trả lời: Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các DN tư nhân phát triển. Những nỗ lực này đã thực sự góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến mới trong cải cách môi trường kinh doanh.
- Sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng việc tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Sau một năm triển khai thực hiện, các cơ quan có liên quan cùng hưởng ứng lời kêu gọi và các giải pháp nên cũng đã tạo ra nhiều chuyển biến khả quan;
- Từ Nghị quyết 19, đến Nghị quyết 35, từ việc rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đến việc hỗ trợ về vốn, tín dụng. .. cho khối doanh nghiệp tư nhân là những minh chứng thiết thực nhất cho cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển...
Phóng viên hỏi: Rõ ràng, những nỗ lực của Chính phủ đã được cộng đồng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Vậy, theo Ông, đâu là giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển?
Trả lời: Phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột; thiết kế một hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân;
- Để doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh lành mạnh thì phải có cơ chế và môi trường kinh tế đầu tư lanh mạnh hơn và theo cơ chế thị trường. Cụ thể, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp Nhà nước không mang tính trọng yếu và cần bảo hộ để giải phóng sức lao động và tạo tiền đề phát triển khối tư nhân
- Việt Nam có doanh nghiệp nhưng không có lực lượng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng lực lượng doanh nghiệp và sức mạnh theo chuỗi là không có. Không có lực lượng doanh nghiệp thì không lớn được. Không có nước nào phát triển mà dựa vào doanh nghiệp nước ngoài vào doanh nghiệp FDI cả…
Phóng viên hỏi: Thưa Ông Tô Hoài Nam, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành một Nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân có ý nghĩa như thế nào đối với khối doanh nghiệp tư nhân?
Trả lời: Nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cũng thể hiện đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về KTTN.
- Khi thực hiện được các nội dung của Nghị quyết, sẽ có sức khuyến khích phát triển rất tốt cho lực lượng KTTN. Nghị quyết sẽ khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để các lực lượng KTTN trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế được bung ra. Tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng sức sản xuất, sáng tạo và phát huy toàn diện của vai trò KTTN trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất, để KTTN phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và lành mạnh, đúng đắn hơn ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Điều này giúp có thêm sức mạnh và động lực để hội nhập sâu hơn, khai thác các thành phần kinh tế có nhiều tiềm năng một cách tốt hơn, là điều kiện để áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phóng viên hỏi: Vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện những giải pháp đột phá gì để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế?
Trả lời: Thứ nhất, về thể chế chính sách, dù muốn hay không thì thực tế hiện nay, vai trò của KTTN chưa được công nhận như Nghị quyết, vẫn còn nhiều định kiến về KTTN, nhất là ở cấp cơ sở. Vì thế, cơ quan Nhà nước các cấp theo thẩm quyền cần khẩn trương ban hành khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa và củng cố định hướng chính sách khuyến khích phát triển KTTN theo Nghị quyết và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó phải tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm chính sách hỗ trợ KTTN một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế. Khắc phục triệt để tình trạng các DN lớn chi phối, lấn át các DN nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội.
- Thứ hai, thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTTN. Thông qua việc xây dựng cơ chế “một cửa điện tử”, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
- Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu rõ ràng để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả. Khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được bảo đảm, theo đó các DN sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn, tỉ lệ DN nói không với “chi phí ngầm” sẽ tăng và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thực sự trở thành động lực chính yếu giữa các DN, đó chính là thành tố cực kỳ quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh bền vững…

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác