Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Tiêu chí chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu

1. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Ngày 17/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất  thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:
1- Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.
2- Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.
Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%. Cụ thể, khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện mức thu 1%; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ mức thu 2%; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi mức thu 1,5%.
Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là 0,2%.
Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.
Nghị định có hiệu lực từ 1/9/2017.
2. Tiêu chí chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
 Cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2017 là Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, quy định tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành CTCP khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí:
 1- Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi;
2- Thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định;
3- Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.
Theo Quyết định, thực hiện chuyển thành CTCP, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong 20 ngành, lĩnh vực. Trong danh sách các ngành, lĩnh vực sẽ chuyển đổi có: Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; chiếu sáng; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường...); thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Đối tượng áp dụng theo Quyết định là: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ; công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
3. Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” nhằm tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.
Theo đề án đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020:
- Các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II,  tức là tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu là 8% của tổng tài sản có rủi ro. Trong đó có ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II và từ 01 đến 02 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
- Tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM.
- Hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các quỹ tín dụng nhân dân đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 01 tỷ đồng.
- Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho công ty thu mua nợ quốc gia… xuống dưới 3%, trừ NHTM yếu kém đã được chính phủ phê duyệt phương án xử lý.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 19/7/2017.

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác